Lamdongtv.vn - Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), đồng thời thảo luận tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đã tham gia đóng góp các ý kiến xung quanh các dự án luật này.
Tại phiên thảo luận tổ, về cơ bản, các ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Hóa chất (sửa đổi) để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục bất cập của luật hiện hành; phát triển công nghiệp hóa chất, từng bước đáp ứng nhu cầu tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế.
Đối với từng nhóm chính sách và các điều khoản cụ thể trong dự án luật, các đại biểu cho rằng, thực tế thời gian qua cho thấy, việc tồn trữ và vận chuyển hóa chất là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn môi trường sống và sức khỏe con người nên cần tăng cường quản lý chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Đồng thời cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn, nhất là liên quan đến giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ tồn trữ hóa chất trên cơ sở làm rõ giấy chứng nhận được áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân tồn trữ hóa chất hay là chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ tồn trữ hóa chất cần kiểm soát đặc biệt. Ngoài ra, cần bổ sung đầy đủ hơn quy định về điều kiện được vận chuyển hóa chất, cấp giấy phép vận chuyển hóa chất, trách nhiệm khi xảy ra sự cố về hóa chất gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người.Tăng chế tài xử phạt các vi phạm về quản lý, xuất nhập khẩu, vận chuyển hóa chất. Liên quan đến dự án luật này,
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề cập đến vấn đề cần đầu tư tổ hợp sản xuất hóa chất từ nguyên liệu tái chế nhằm bảo đảm môi trường, quy định cụ thể vấn đề quản lý hóa chất, đặc biệt các hóa chất nguy hiểm.
Cũng trong ngày tổ 16, Đoàn ĐBQH các tỉnh Lâm Đồng, Lai Châu, Cà Mau, Hà Tĩnh đã tiến hành thảo luận tại tổ đối với dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Góp ý đối với dự án luật này, đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đề cập đến các vấn đề về nguyên tắc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các hành vi bị cấm trong lĩnh vực quản lý vốn và xác định nguồn vốn đầu tư.
Cũng tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đề nghị bổ sung quy trình giám sát và trách nhiệm giải trình; yêu cầu báo cáo, công khai thông tin về hoạt động đầu tư và sử dụng vốn; phân định nhiệm vụ, quyền hạn theo nhóm, quy mô doanh nghiệp; trình tự, thủ tục quản lý, đầu tư, cơ cấu lại vốn nhà nước; thẩm quyền quyết định nhân sự; cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.
Ngoài ra cần làm rõ thêm một số nội dung về cần minh bạch hoạt động của doanh nghiệp có vốn Nhà nước; bổ sung quy định nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp định giá thấp tài sản, vốn nhà nước; phòng ngừa thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước; hình thức “khoán, cho thuê”, xử lý những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ/.
Hữu Phúc