Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An là nơi trú ngụ của loài Cá Mát quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Nhiều năm trước, do tình trạng người dân địa phương đánh bắt quá mức, đặc biệt là việc sử dụng các loại kích điện, chất nổ đã khiến các loài cá này có nguy cơ cạn kiệt.
Tuy nhiên những gần đây, nhờ mô hình khoanh nuôi bảo vệ, tái tạo môi trường của cộng đồng dân bản mà loài cá Mát này đã “hồi sinh” trở lại.
Cá Mát là loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, xếp vào danh mục loài sẽ nguy cấp cần được bảo vệ. Cá mát cũng là 1 trong 6 loài thủy sản cần được bảo tồn theo Quyết định 5529 của UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Đề án khung nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh. Từ năm 2019, khi các cộng đồng dân bản xã Bình Chuẩn (huyện Tương Dương) triển khai mô hình bảo vệ loài cá Mát, hàng tuần các tổ dân bản thường xuyên độc lập hoặc phối hợp với lực lượng kiểm lâm đi kiểm tra trên các con suối để ngăn cấm các hành vi khai thác trái nội quy, hương ước của bản đã lập nên. Nhờ đó, nguồn cá Mát đã sinh sôi trở lại, phát triển nhiều hơn.
Đầu năm 2020, cộng đồng dân bản ở bản Xốp Kho (xã Nga My, huyện Tương Dương) cũng triển khai mô hình bảo vệ loài cá Mát trên địa bàn với quy ước nghiêm cấm khai thác thủy sản trên các con suối. Dân bản đã tháo dỡ các bờ đá chặn dòng trên suối Nậm Ngân mà trước đây người dân đắp để đánh bắt cá tôm. Hơn 40km lưu vực suối từ thượng nguồn núi Pù Hiêng qua địa bàn xã Nga My (huyện Tương Dương) có vô số những biển cấm dựng lên tại nhiều đoạn suối.
]
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tương Dương có 15 xã với gần 50 bản triển khai mô hình bảo vệ loài cá Mát và nguồn lợi thủy sản. Có gần 70km chiều dài trên các dòng suối được thiết lập thành khu khoanh nuôi, bảo vệ. Đặc biệt hơn, không riêng huyện Tương Dương, mô hình bảo vệ loài cá Mát và nguồn lợi thủy sản trên suối cũng triển khai tốt tại nhiều xã của các huyện miền núi phía Tây Nghệ An như Quế Phong, Qùy Châu...
Vùng đệm Khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống hiện có hơn 120 bản, trong đó cộng đồng dân tộc Thái chiếm hơn 90%. Mô hình bảo vệ loài cá Mát và nguồn lợi thủy sản được thực hiện hiệu quả tại các bản đã hạn chế số lượng người vào rừng đặc dụng trong Khu bảo tồn; môi trường sinh thái được bảo vệ; giảm thiểu các mối đe dọa săn bắt, bẫy động vật hoang dã và những tác động ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học trong khu bảo tồn.
PHÒNG THỜI SỰ