Lần đầu tiên trong rất nhiều năm, chung cư của thành phố Hà Nội đã cao hơn TP Hồ Chí Minh, trung bình hơn từ 10-15%. Trong bối cảnh đó , thì hàng loạt những căn hộ tái định cư đã được triển khai xây dựng, nhưng chưa đi vào hoạt động, đã khiến cho tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở vừa túi tiền trở nên trầm trọng hơn.
Tọa lạc ngay ngã tư phố Duy Tân và Trần Thái Tông, dự án nhà ở tái định cư N01 - D17 Duy Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội vẫn đang trong tình trạng dang dở. Là chung cư cao tầng phục vụ di dân KĐT mới Cầu Giấy, dự án được khởi công từ năm 2010 và dự kiến hoàn thành trong năm 2013, thế nhưng đến nay sau hơn 10 năm thi công, tình trạng vẫn hết sức ngổn ngang. Nhiều hạng mục xuống cấp, rỉ sét.
Chưa đưa vào sử dụng cũng là tình trạng của hàng trăm căn hộ tại 3 tòa chung cư cao hơn 10 tầng thuộc dự án tái định cư Đền Lừ III. Hầu hết các hạng mục đều đã hoàn thiện nhưng các căn hộ nơi đây vẫn vắng bóng người.Hai dự án trên là điển hình của rất nhiều dự án tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội, mặc dù đã được đầu tư triển khai, xong chưa đạt được hiệu quả. Theo đó, trên địa bàn thành phố có 174 dự án nhà chung cư tái định cư. Trong đó, có 9 dự án với khoảng 2.500 căn hộ trong tình trạng chưa đưa vào sử dụng, hàng chục dự án nhà tái định cư đang trong tình trạng xây dang dở, các hạng mục đã xuống cấp, gây ra sự lãng phí rất lớn về nguồn lực. Hiện trạng này càng nghiêm trọng hơn, trong bối cảnh thị trường nhà ở đang đối mặt với sự mất cân đối nghiêm trọng trong phân khúc nhà ở vừa túi tiền.
Nhu cầu về loại hình nhà ở vừa túi tiền rất lớn, đặc biệt từ các hộ gia đình trẻ, người lao động thu nhập trung bình và thấp. Tuy nhiên, nguồn cung lại hạn chế do các chủ đầu tư chủ yếu tập trung phát triển dự án cao cấp hoặc trung cấp với biên lợi nhuận cao hơn. Thực trạng này không chỉ đẩy giá nhà ở lên cao, vượt khả năng chi trả của nhiều người, mà còn làm gia tăng khoảng cách giữa nhu cầu thực tế và nguồn cung hiện có, gây áp lực lớn lên thị trường bất động sản và đời sống người dân
PHÒNG THỜI SỰ