Lãng phí thực phẩm đang trở thành một vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đáng chú ý, lãng phí thực phẩm đang gia tăng trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ nhà hàng – khách sạn. Theo các chuyên gia, trong ngành nhà hàng - khách sạn ở Việt Nam, lãng phí thực phẩm là một vấn đề phức tạp xuất phát từ nhiều lý do, cần sớm có giải pháp để xử lý hiệu quả.
Nhà hàng này phục vụ buffet băng chuyền để thực khách tự do lựa món. Dù đã lựa món ăn theo sở thích, thế nhưng ở hầu hết các bàn, khách vẫn để thừa nhiều thức ăn. Do tâm lý, thói quen nên nhiều thực khách thoải mái lấy thức ăn mà không quan tâm liệu có dùng hết hay không, cũng như bỏ qua khuyến cáo, lưu ý của nhà hàng về việc chỉ nên lấy đủ, dùng đủ, tráng để dư thừa, lãng phí.
Để đảm bảo chất lượng dịch vụ, nhà hàng không thể tái sử dụng thức ăn dư thừa của khách để lại mà buộc phải bỏ đi. Tuy nhiên, tại các nhà hàng, lãng phí thực phẩm không chỉ là vấn đề của khách hàng, mà còn của chính các nhà quản lý. Các khách sạn và nhà hàng thường chuẩn bị lượng lớn thực phẩm để tránh bị thiếu hụt khi tổ chức các bữa ăn – nhất là tiệc bufet - khiến thức ăn bị thừa mứa rồi đổ bỏ. Cách phục vụ thể hiện tấm lòng hiếu khách và nguồn thực phẩm dồi dào của người Việt, cũng thường dẫn đến việc thực khách bỏ mứa thức ăn đáng kể lại trên đĩa.
Nhiều sáng kiến nhằm giảm lãng phí thực phẩm nói chung và trong ngành nhà hàng – khách sạn đã được triển khai gần đây, bước đầu đem lại hiệu quả. Như tuyên truyền thay đổi thói quen, hành vi trong văn hóa ăn uống; hay mô hình Ngân hàng Thực phẩm – FoodBank kết nối các khách sạn và nhà hàng và những tổ chức từ thiện địa phương để quyên góp thực phẩm dư thừa, tái sử dụng.
Thống kê cho thấy, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về lãng phí thực phẩm, với hơn 8 triệu tấn thực phẩm bị bỏ phí mỗi năm, gây tổn thất 3,9 tỷ USD, tương đương gần 2% GDP. Riêng trong ngành nhà hàng - khách sạn, lãng phí thực phẩm là một vấn đề phức tạp xuất phát từ nhiều lý do, chủ yếu là tâm lý và ý thức.
PHÒNG THỜI SỰ