Nghề nuôi trồng thủy sản ở vùng đầm, vịnh tại tỉnh Phú Yên đem lại sinh kế lâu bền và thu nhập cao cho người dân trong những năm qua. Thế nhưng vẫn còn đó những rủi ro tôm cá chết hàng loạt ở một số thời điểm vì ô nhiễm môi trường nước.
Do vậy, công tác thu gom, giảm thiểu rác thải từ nuôi trồng thủy sản đang được chính quyền và người dân triển khai thực hiện nhằm hướng đến một môi trường vùng nuôi an toàn.
Vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông hiện có gần 4.000 hộ dân nuôi trồng thủy sản với tổng cộng hơn 140.000 lồng bè. Số lượng lồng bè gấp gần 4 lần so với quy hoạch, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển. Trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, tại vùng nuôi trồng thủy sản ở thị xã Sông Cầu đã xảy ra 2 vụ tôm hùm nuôi, cá nuôi bị chết hàng loạt, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Nguyên nhân là do môi trường nuôi đã bị ô nhiễm.
Mới đây, UBND thị xã Sông Cầu đã triển khai phương án thu gom xử lý chất thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông. Phương án thực hiện tại 7 xã, phường trên địa bàn với 100% hộ nuôi trồng thủy sản tham gia. Người dân đem tất cả rác thải phát sinh từ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển vào bờ để xử lý. Cơ quan chức năng cũng xây dựng 54 điểm tập kết để người dân thực hiện.
Theo ước tính, mỗi ngày, mỗi hộ nuôi trồng thủy sản làm phát sinh từ 3 - 5kg chất thải. Tại hai vùng nuôi trên vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông, với gần 4.000 hộ nuôi, sẽ làm phát sinh từ 12 - 20 tấn chất thải mỗi ngày. Nếu không có giải pháp quyết liệt từ việc thu gom, xử lý rác thải thì vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ còn tiếp diễn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đang trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn, định hướng đến năm 2030. Địa phương cũng tiến hành quy hoạch chi tiết vùng nuôi, sắp xếp và giao mặt nước nuôi trồng thủy sản cho các hộ dân để có sự tham gia quản lý, giám sát chặt chẽ về môi trường từ cộng đồng.
PHÒNG THỜI SỰ