Lamdongt.vn - Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025. Phó thủ tướng chính phủ Lê Thành Long tham dự và chỉ đạo hội nghị. Ở điểm cầu tỉnh Lâm Đồng, ông Võ Ngọc Hiệp - UVBTV tỉnh ủy - Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Đa Cát Vinh – Phó CT HĐND tỉnh, cùng đại diện các sở, ban, ngành đã tham dự.
Năm 2024 được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, toàn ngành Tư pháp đã đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực vượt qua những khó khăn, tập trung triển khai toàn diện, kịp thời, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào các thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc phòng, chống tham nhũng; cải cách tư pháp; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bộ Tư pháp đã hoàn thành 49/212 nhiệm vụ được thủ tướng chính phủ giao, đang tiếp tục thực hiện 163 nhiệm vụ không có thời hạn; không có nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành.
Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã phối hợp tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, thông qua 28 luật tại các kì họp quốc hội khóa XV. Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành trên 800 văn bản quy phạm pháp luật.
Các địa phương từ tỉnh tới xã đã ban hành trên 9000 VBQPPL. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Đã tổ chức hơn 566 ngàn đợt tuyên truyền pháp luật cho hơn 55 triệu lượt người dân. Đối với công tác hoà giải ở cơ sở, cả nước đã tiếp nhận trên 97 ngàn vụ việc, tỷ lệ hoà giải thành đạt trên 84%.
Đối với công tác trợ giúp pháp lý cả nước đã thụ lý mới trên 39.600 vụ việc, đã hoàn thành trên 37 ngàn vụ việc. Trong năm 2024, các cơ quan THADS trên cả nước đã thi hành xong hơn 620 ngàn việc, đạt tỉ lệ hơn 83% . Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký biện pháp bảo đảm, bồi thường nhà nước tiếp tục được triển khai thực hiện nền nếp, kịp thời giải quyết các nhu cầu của người dân, bám sát các quy định trong VBQPPL.
Bên cạnh kết quả đạt được, năm 2024, công tác tư pháp vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Chất lượng xây dựng pháp luật còn bất cập. Tồn tại điểm nghẽn liên quan đến các quy định pháp luật chưa được kịp thời tháo gỡ. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành ở Trung ương, giữa Trung ương với địa phương trong thực hiện công tác tư pháp còn có lúc chưa kịp thời.
Tại Hội nghị các đại biểu đã trao đổi thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình hiệu quả, cũng như nêu những khó khăn thuận lợi và giải pháp cần triển khai thực hiện đối với công tác tư pháp trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng chính phủ Lê Thành Long đánh giá cao kết quả toàn ngành tư pháp đã thực hiện thời gian qua. Năm 2025, bộ, ngành tư pháp cần quan tâm hơn nữa vấn đề xây dựng thể chế; Chú ý công tác xây dựng ngành; Nâng cao năng lực đội ngũ cám bộ làm công tác tư pháp. Nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật. Đi đầu trong tham mưu đồng bộ thể chế phát triển đất nước. Tích cực chủ động tham mưu tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt' có nguyên nhân từ các quy định pháp luật.
Với yêu cầu đột phá mạnh mẽ về thể chế trong kỷ nguyên mới, bộ, ngành tư pháp cần nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ theo trọng trách được giao, tham mưu hiệu quả hơn nữa việc triển khai Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới./.
Văn Thế