Lamdongtv.vn - Đoàn khảo sát Uỷ ban văn hoá, giáo dục của Quốc hội do ông Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh Lâm Đồng về tình hình chi ngân sách địa phương cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề, sự nghiệp văn hoá thông tin.
Về phía tỉnh Lâm Đồng có ông Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh, các vị đại biểu Quốc hội và các sở ngành dự hội nghị.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, trong những năm qua địa phương rất chú trọng đến lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề; văn hoá thông tin, trong đó đã đầu tư ngân sách cho lĩnh vực này khá cao. Cụ thể chi cho đầu tư lĩnh vực giáo dục, đào tạo dạy nghề giai đoạn 2021- 2024 là trên 2 nghìn 600 tỷ đồng, được bố trí cho các dự án đầu tư, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hoàn thiện thiết bị dạy học cho các lớp học trên địa bàn tỉnh. Chi cho lĩnh vực văn hoá thông tin giai đoạn 2021- 2024 là 509 tỷ đồng. Bao gồm xây dựng các cơ sở hạ tầng các khu thể thao, bảo tồn tôn tạo các di tích cấp quốc gia, nâng cấp nghĩa trang liệt sỹv.v…
Bên cạnh những kết quả đạt được, các cơ quan ban ngành của tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị những vướng mắc trên lĩnh vực giáo dục cần được tháo gỡ như: cần có văn bản, thông tư hướng dẫn thi hành tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh và các giáo viên tại các trường học thuộc diện được ngân sách hỗ trợ, nhất là các trường học ở vùng sâu vùng xa…
Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị đối với một số chế độ, chính sách về chi ngân sách cho ngành văn hoá được xây dựng đã nhiều năm, hiện đã không còn phù hợp với biến động giá cả thị trường, chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, cần được nghiên cứu sửa đổi bổ sung cho phù hợp nhu cầu thực tế hiện nay, đảm bảo cho các nghệ sĩ, các nghệ nhân có thể yên tâm công tác và sống được với nghề, tâm huyết để bảo tồn văn hoá…
Tại hội nghị, các thành viên Đoàn công tác của Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã nêu một số hạn chế trong việc chi ngân sách của tỉnh Lâm Đồng cho các lĩnh vực văn hóa giáo dục và đề nghị địa phương cần có kế hoạch điều chỉnh cho phù hợp, việc thu hút đầu tư, xã hội hóa chủ yếu vẫn ở bậc mầm non, còn các cấp phổ thông khác còn nhiều hạn chế và phụ thuộc vào nguồn chi ngân sách, đây là hướng phát triển không bền vững, vì vậy chính quyền địa phương cần tìm hiểu rõ nguyên nhân và tìm kiếm giải pháp kêu gọi, thúc đẩy xã hội hóa ở đa dạng các cấp bậc khác; Tình trạng một số nơi chỉ tập trung xây dựng cơ sở vật chất mà chưa tập trung cao cho việc xây dựng thiết chế và định hướng phát triển văn hóa cụ thể của địa phương cũng là nguyên nhân làm cho việc bảo tồn văn hoá nhất là văn hoá các dân tộc bản địa còn nhiều hạn chế…
.
Tại buổi làm việc, ông Phạm S, phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã và đang tập trung rất lớn cho việc xây dựng văn hoá, giáo dục nói chung và đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Quy mô trường lớp, cơ sở vật chất đã được đầu tư theo hướng chuẩn hoá, đồng bộ và từng bước chuẩn hoá, đồng bộ và từng bước hiện đại. Lĩnh vực văn hoá đã có những bước phát triển vượt bậc nhất là việc bảo tồn và phát triển văn hoá. Đặc biệt là TP Đà Lạt đã trở thành “ Thành phố sáng tạo âm nhạc” được UNESCO công nhận…
Trong thời gian tới tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung khắc phục những hạn chế và phát huy những kết quả đã đạt được. Đồng thời yêu cầu các sở ngành sớm hoàn thành những kiến nghị cụ thể trên từng lĩnh vực để gởi cho đoàn khảo sát phục vụ cho việc xây dựng các văn bản Luật của Quốc hội trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, ông Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã thay mặt đoàn khảo sát ghi nhận những nỗ lực mà tỉnh Lâm Đồng đã đạt được, đồng thời đề nghị địa phương cần quan tâm hơn nữa đối với những người làm công tác văn hoá, vì họ là những nhân tố quan trọng để bảo tồn văn hoá các dân tộc anh em. Đồng thời cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho một số lĩnh vực trọng tâm về đào tạo dạy nghề, từng bước nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân viên ngành giáo dục nhất là vùng sâu vùng xa để họ gắn bó với sự nghiệp trồng người. Đối với các kiến nghị, đề nghị tỉnh tổng hợp và gởi cho Đoàn cônh tác trước ngày 20/12/2024./.