Tin tức

Nông dân vùng sâu làm giàu nhờ sản xuất công nghệ cao.

Thứ ba, 14/01/2025 - 08:39

Lamdongtv.vn - Trước đây, việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chủ yếu được thực hiện ở thành phố Đà Lạt và các vùng phụ cận. Tuy nhiên hiện ở nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, nông dân cũng đang mạnh dạn áp dụng mô hình sản xuất này.

Từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập. 

 
 
 
Khu vườn hơn 2ha này trước kia anh Phí Văn Thìn, thôn trung tâm xã Phi Liêng, huyện Đam Rông trồng caphe giống cũ và một số cây tạp, thu nhập không đáng kể.

Từ năm 2018, anh Thìn đã làm nhà kính và chuyển sang trồng cây ớt ngọt theo hướng công nghệ cao theo chuẩn hữu cơ. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cây ớt ngọt phát triển tốt, sai quả, chất lượng mẫu mã luôn đạt tiêu chuẩn cao, được thị trường ưa chuộng. Dù suất đầu tư lên tới khoảng 200 triệu/một sào, tuy nhiên nhờ năng suất cao, đầu ra ổn định, bình quân 1ha mang về lãi ròng từ 6 tới 8 trăm triệu đồng mỗi năm, cao hơn rất nhiều so với các mô hình sản xuất trước đây.

Từ chỗ mong làm đủ ăn, sau 5 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay mô hình nhà kính trồng ớt ngọt công nghệ cao đã giúp vợ chồng anh Phí Văn Thìn trở thành nông dân giàu có ở huyện Đam Rông với mức thu nhập bình quân khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.
Địa phương cũng đang tuyên truyền cũng như hỗ trợ để bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, tiếp tục mở rộng các mô hình công nghệ cao vào sản xuất. Qua đó vừa bảo vệ môi trường, vừa nâng cao thu nhập.
 
Tại huyện Đức Trọng, từ năm 2018 trở về trước, việc sản xuất công nghệ cao, sản xuất trong nhà kính, nhà lưới chủ yếu được thực hiện tại thị trấn Liên Nghĩa và các xã Hiệp Thạnh, Hiệp An. Tuy nhiên hiện nay, tại các xã vùng sâu như: Ninh Gia, Ninh Loan, Đà Loan, Tà Năng…nông dân cũng đang tích cực áp dụng công nghệ cao vào canh tác đối với hàng trăm ha cây trồng các loại. Cách làm này giúp giảm tác động từ môi trường, ít sâu bệnh, giảm chi phí chăm sóc, đồng thời nâng cao năng suất và giá trị sản xuất lên nhiều lần so với trước.
 
 
Không chỉ tại huyện Đam Rông hay Đức Trọng mà việc đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang được hàng ngàn nông dân các khu vực vùng sâu vùng xa khác trên toàn tỉnh mạnh dạn áp dụng. Không chỉ người kinh, hiện đã có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã và đang mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng đi này. Việc đầu tư sản xuất công nghệ cao tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân dễ dàng chuyển đổi cơ cấu cây trồng và lựa chọn mô hình sản xuất, qua đó nâng cao thu nhập, có thể làm giàu trên chính mảnh vườn cũ của mình.
 
Dù chi phí sản xuất ban đầu khá cao, mỗi ha sản xuất công nghệ cao có thể lên tới vài tỷ đồng, tuy nhiên nhờ năng suất và sản lượng nông sản ổn định, giá cả đầu ra tốt, nên mức lợi nhuận của mô hình này vẫn cao hơn nhiều so với sản xuất truyền thống. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng như các địa phương đang khuyến khích và hỗ trợ nông dân, nhất là bà con khu vực vùng sâu vùng xa tiếp cận kỹ thuật, thị trường, từ đó mạnh dạn tiếp tục mở rộng các mô hình đã có và phát triển mới các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống./.

Mai An

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang chủ, cột giữa OK TT