Lamdongtv.vn - Sau sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021, trên địa bàn Thanh Hóa có gần 500 công sở, nhà đất công dôi dư, trong đó chủ yếu là trụ sở UBND cấp xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn.Công tác xử lý tài sản công chậm trễ, nhiều trụ sở, nhà đất dôi dư còn lại đang bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất đai và cơ sở hạ tầng .
Dù UBND tỉnh Thanh Hóa nhiều lần chỉ đạo các ngành, các địa phương giải quyết tình trạng công sở, nhà đất dôi dư, nhưng cho đến nay công tác xử lý tài sản công chậm trễ, nhiều trụ sở, nhà đất dôi dư còn lại đang bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất đai và cơ sở hạ tầng.
Công trình Trung tâm thông tin văn hóa, thể thao và du lịch huyện Bá Thước được xây dựng tại trung tâm thị trấn Cành Nàng. Hiện đơn vị này đã đi rời đến địa điểm mới, tuy nhiên công sở cũ của đơn vị này hiện đang bỏ hoang, gây lãng phí. Ngoài ra, trong năm 2024, huyện Bá thước có số công sở dôi dư là 150 cơ sở, trong đó có 92 cơ sở điều chuyển công năng sử dụng và chuyển giao, 51 cơ sở được đem bán và thu hồi 7 cơ sở. Hiện địa phương này đang gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp lại tài sản dôi dư sau sáp nhập do chưa có hướng dẫn theo từng loại phướng án xử lý, sắp xếp nhà đất về thành phần hồ sơ, thủ tục thực hiện.
Còn tại thị xã Bỉm Sơn, đơn vị này còn ít công sở dôi dư sáp sáp nhập, thế nhưng vẫn còn nhiều công trình công sở của các doanh nghiệp nhà nước đóng chân trên địa bàn bỏ không. Những đơn vị này không còn hoạt động kinh doanh trên trụ sở, bỏ hoang công sở, gây lãng phí.
Theo thống kê, thời điểm năm 2021, toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.200 cơ sở nhà đất dôi dư, nhưng đến nay đã sắp xếp xử lý được nhiều cơ sở, còn lại gần 500 cơ sở. Hiện một số địa phương gửi báo cáo về Sở Tài chính đề nghị điều chỉnh sang bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hình thức thu hồi để thanh lý tài sản. Tuy nhiên, tiến độ xử lý tài sản công dôi dư chậm do vướng mắc về thể chế. Quy định của pháp luật về sắp xếp, xử lý nhà, đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều bất cập, quy định chưa cụ thể, rõ ràng.
Được biết, trong năm 2024 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hoá đã phê duyệt điều chuyển 6 cơ sở nhà, đất; chuyển giao 4 cơ sở nhà, đất của các đơn vị y tế về huyện quản lý; giữ lại tiếp tục sử dụng 98 tài sản công và điều chỉnh phương án sắp xếp 04 trụ sở. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn khi trên địa bàn Thanh Hoá còn hàng trăm công sở, nhà đất dôi dư đang bỏ hoang, lãng phí.
PHÒNG THỜI SỰ