Tin tức

​Đồng bào dân tộc thiểu số tại Khánh Hoà vững tin theo Đảng

Chủ nhật, 23/02/2025 - 07:14

Tỉnh Khánh Hoà là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Trong suốt hành trình cách mạng, đồng bào các dân tộc luôn kiên trung, theo Đảng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Sự đồng lòng của các dân tộc đã góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, đồng thời bảo tồn giá trị truyền thống, khẳng định sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.

 

Khánh Sơn là huyện miền núi phía tây nam của tỉnh Khánh Hoà có 13 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Raglai chiếm hơn 73% dân số toàn huyện. Từ nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia, địa phương đã ưu tiên cho hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn từ ngân hàng chính sách và các nguồn vốn ưu đãi khác để phát triển sản xuất. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi, cây trồng; áp dụng mô hình phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập.

Đơn cử như gia đình chị Tro Thị Hợp ở xã Sơn Trung đã chuyển đổi diện tích vườn tạp sang trồng sầu riêng, phát triển chăn nuôi, kinh doanh tạp hóa. Từ hộ nghèo ở địa phương, đến nay gia đình chị Hợp đã trở thành hộ khá, giàu, với thu nhập ổn định hàng năm.

Thực hiện chăm lo cho các dân tộc anh em, đặc biệt là nâng cao chất lượng cuộc sống đối với vùng dân tộc thiểu số; Đảng, Nhà nước đã luôn tạo điều kiện, đưa ra nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển miền núi, vùng sâu vùng xa - nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình giảm nghèo bền vững đã mang lại hiệu quả thiết thực, làm thay đổi đời sống của người dân miền núi. 

Song song với việc phát triển kinh tế, tỉnh Khánh Hoà còn ưu tiên nguồn lực để kiến thiết cơ sở hạ tầng cho miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Giai đoạn từ năm 2019 -2024, tổng nguồn vốn đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh là 5.600 tỷ đồng.
 
Trong đó vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia 1.600 tỷ đồng; vốn các chương trình, đề án, dự án khác 4.000 tỷ đồng. Nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia tập trung hỗ trợ xây dựng nhà ở, nước sinh hoạt; đầu tư cơ sở vật chất văn hóa, y tế, giáo dục, đường giao thông... tạo điều kiện cho người dân vùng sâu vùng xa tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thuận lợi trong sản xuất và lưu thông hàng hoá.

 Tỉnh Khánh Hòa hiện có 28 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 66 thôn đặc biệt khó khăn; 2 huyện miền núi là Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập, lao động sản xuất và đời sống của người dân. Công tác giảm nghèo ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, sống hòa đồng, yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ nhau cùng phát triển.

PHÒNG THỜI SỰ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Lâm Đồng : Chủ động phòng chống hạn trong sản xuất nông nghiệp

Lamdongtv.vn - Dự báo, năm 2025 thời tiết sẽ diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, ngoài xây dựng kế hoạch để chủ động cho công tác chống hạn mùa khô, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, Ngành Nông nghiệp, các địa phương đã thực hiện tốt việc phân phối và xây dựng kế hoạch điều tiết nước một cách hợp lý nhất, chỉ đạo tập trung sản xuất đồng trà, đồng vụ.

Quảng cáo trang chủ, cột giữa OK TT