Lamdongtv.vn - Trường Chính trị tỉnh vừa tổ chức khảo sát, thiết kế mô hình dạy tiếng dân tộc cho người đồng bào dân tộc thiểu số tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Đây là Chuyên đề thuộc Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về chính sách về văn hóa, xã hội của đơn vị chủ trì, thực hiện từ nay đến năm 2026.
Mô hình dạy tiếng dân tộc cho người đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng bao gồm 6 nội dung thông qua việc khảo sát từ thực tế. Các chuyên đề tập trung làm rõ về cơ sở lý luận và thực tiễn; phân tích thực trạng và nhu cầu học tiếng dân tộc của người dân để nhận biết và đọc các chữ cái cơ bản tiếng K’Ho; qua đó giúp người dân hiểu rõ khả năng viết các từ, câu đơn giản và cấu trúc, ngữ pháp tiếng K’Ho.

Đặc biệt, nội dung mô hình dạy tiếng được vận dụng các câu từ về những quy định, tóm tắt một số luật liên quan đến thực tiễn cuộc sống của bà con như quản lý, bảo vệ rừng, đất đai… Đề tài cũng xác định phương pháp giảng dạy, tiêu chí đo lường, đánh giá; xác định thời gian, lịch trình, đối tượng, số lượng người học.
Địa điểm triển khai địa bàn huyện Di Linh. Đối tượng thực hiện là người dân tộc K’Ho. Theo Trường Chính trị tỉnh, sau kết quả triển khai thử nghiệm tại Di Linh, mô hình sẽ được nhận rộng tại các cộng đồng trên bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng nghiên cứu của đề tài, từ đó triển khai sâu rộng vào thực tiễn cuộc sống, nhu cầu dân trí của người dân vùng đồng bào DTTS ở Lâm Đồng.
Mạnh Thành