Tin tức

Những chiến sĩ áo trắng ở vùng khó khăn

Thứ năm, 27/02/2025 - 07:34

Lamdongtv,vn - Cách đây 70 năm, trong thư gửi cán bộ y tế ngày 27/2/1955, Bác Hồ căn dặn “Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô, các chú; Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào.

 Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang.

 



Vì vậy người thầy thuốc phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn, lương y phải như từ mẫu”.v.v. Khắc ghi lời dạy của Bác, các thế hệ thầy thuốc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở vùng sâu, vùng xa luôn say sưa với nghề, âm thầm, lặng lẽ, tận tụy cống hiến, vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2025), nhóm PV thời sự có ghi nhận sau, xin chuyển đến quý vị và các bạn.

 

Cứ đều đặn hàng ngày, nữ bác sĩ Liêng Hót Ka Bing - Trưởng trạm y tế xã Đạ M’ Rông, huyện Đam Rông có mặt rất sớm để bắt đầu công việc của mình, tư vấn, thăm khám sức khỏe cho người dân địa phương. Là người đồng bào dân tộc thiểu số nên bản thân chị thấu hiểu những thiệt thòi mà chị em phụ nữ vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp phải trong việc chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Do vấn đề kinh tế khó khăn, địa hình đi lại khó khăn, nên đa phần chị em phụ nữ lơ là và thiếu kiến thức trong việc duy trì thăm khám thai kỳ và chăm sóc con cái, bởi vậy nhiều đứa trẻ sinh ra bị còi, chậm phát triển. Mặc dù trong công việc bản thân chị còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với người dân để tư vấn, nhưng nữ bác sĩ Ka Bing không quản ngại khó khăn vẫn tìm cách để tuyên truyền cho người dân hiểu – giúp đồng bào thay đổi cuộc sống.

Ở những vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo khó nơi nhận thức và suy nghĩ về chăm sóc sức khỏe của người dân ít nhiều còn giản đơn, hạn chế. Vì vậy mà công việc của đội ngũ y bác sĩ ở vùng sâu, vùng xa không chỉ đơn thuần là cứu chữa người bệnh, mà còn phải đi vận động tuyên truyền cho người dân góp phần làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về cách ăn ở hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế cơ sở, tiêm phòng vắc xin..v.v. Trân trọng những đóng góp của các y, bác sĩ công tác ở vùng sâu, vùng xa.

Thời gian gần đây công tác y tế tại tuyến xã đã có rất nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành. Hầu hết các bệnh viện tuyến huyện, các trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư nâng cấp, đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Qua đó chất lượng y tế tại cơ sở có sự tiến bộ vượt bậc so với trước kia, đã góp phần quan trọng trong lĩnh vực y tế dự phòng và công tác dân số.



Tổng số nhân lực y tế tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh có gần 2.500 người, trong đó, bác sĩ chiếm trên 21%. Thời gian qua, ngành y tế tỉnh đã luôn quan tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế tuyến cơ sở, qua đó từng bước đáp ứng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân địa phương.
 
Sự hi sinh thầm lặng của đội ngũ y bác sỹ đôi khi không thể nào nói hết được những khó khăn, vất vả mà các y bác sĩ đã, đang trải qua. Khó khăn, áp lực là vậy, nhưng ý thức được trách nhiệm với công việc, tình yêu với nghề, các y bác sĩ trên địa bàn tỉnh đã vượt qua mọi lực cản để cứu chữa bệnh nhân, mang đến sự sống và chất lượng sống cho những người bệnh tưởng chừng như tuyệt vọng về bệnh tật lại được hồi sinh nhờ những chiến sĩ áo trắng –họ luôn là hình ảnh đẹp về sự hy sinh, về y đức về tấm lòng nhân ái trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân./.
Minh Hiên

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang chủ, cột giữa OK TT