Sau gần 3 năm triển khai, Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” do tổ chức Quốc tế EarthCare Foundation tài trợ thực hiện tại 9 xã trên địa bàn 3 huyện Bảo Thắng, Bát Xát và Bảo Yên đã đem lại lợi ích kép cả về kinh tế và môi trường.
Chỉ với vài thùng xốp nhỏ như thế này, anh Vương Văn Mạnh đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn: thu gom phế phẩm, rác thải quanh nhà để nuôi sâu can xi làm nguồn thức ăn cung cấp cho đàn gà thịt và gà đẻ trứng mỗi lứa tầm 400 – 500 con, kết hợp làm đệm lót sinh học dày trong khu vực nuôi nhốt. Cách làm này vừa xử lý được ô nhiễm môi trường chăn nuôi vừa gia tăng giá trị kinh tế mô hình.

3 năm nay, gia đình ông Dương Văn Tiến – hộ trồng rau có thâm niên ở xã Quang Kim không còn lo lắng giá phân bón lên xuống thất thường bởi ông đã biết cách xử lý toàn bộ lượng rơm rạ, thân ngô thu gom được sau thu hoạch bằng men vi sinh thành phân bón, kết hợp nuôi giun trùn quế... Nguồn phân bón hữu cơ dồi dào đã giảm chi phí sản xuất, có sản phẩm sạch cung ứng cho thị trường. Mỗi năm từ trồng rau gia đình thu về khoảng 150 triệu đồng.
3 năm thực hiện dự án, Ban quản lý dự án đã hỗ trợ xây dựng được 9 tổ nhóm nông dân nghề nghiệp với 450 mô hình xử lý chất thải chăn nuôi như: nuôi sâu can xi, trùn quế, đệm lót sinh học... Qua đó, giúp bà con dần thay đổi tập quán, ứng dụng phương pháp trồng trọt và chăn nuôi thân thiện với môi trường.
Phát triển nông nghiệp hàng hóa, trung bình mỗi năm toàn tỉnh có hàng triệu tấn phế phẩm nông nghiệp chưa được xử lý, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” đã góp phần giải quyết hiệu quả bài toán này, gia tăng giá trị sản xuất, thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn và bền vững.
PHÒNG THỜI SƯ