Nhận thức được vai trò của công nghệ và chuyển đổi số trong nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp tại Đắk Lắk đã chủ động đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, kết nối thương mại điện tử và quảng bá sản phẩm trên nền tảng số.

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm từ trái bơ, chị Phạm Thị Thu Hằng, thành phố Buôn Ma Thuột, đã tận dụng hiệu quả lợi thế của công nghệ số khi đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để tiếp cận người tiêu dùng trên cả nước. Hiện nay, từ 80 đến 90% doanh thu của công ty đến từ hình thức bán hàng trực tuyến.
Xác định chuyển đổi công nghệ và ứng dụng số là xu thế tất yếu, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thời gian qua tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng công nghệ mới, qua đó tạo sự chuyển biến rõ nét cả về chất lượng và quy mô sản phẩm.Mới đây, một doanh nghiệp đã được hỗ trợ gần 700 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công để lắp đặt hệ thống máy phân loại hạt tự động. Toàn bộ dây chuyền được điều khiển bằng máy tính với công suất lớn, giúp loại bỏ gần như hoàn toàn hạt lỗi, tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Hiện nay, công tác hỗ trợ doanh nghiệp về máy móc, thiết bị tiên tiến, chuyển giao kỹ thuật và ứng dụng chuyển đổi số đã mang lại những kết quả tích cực. Qua đó thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại và đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh đã mang lại hiệu quả rõ nét, giúp nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển ổn định và bền vững.
Trong bối cảnh khoa học – công nghệ ngày càng giữ vai trò then chốt đối với tăng trưởng kinh tế, Đắk Lắk sẽ chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, phát triển nền tảng số để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới./.
PHÒNG THỜI SỰ