Lamdongtv.vn - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình chủ trì buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Tham dự có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, Văn phòng Chính phủ và các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận.

Tỉnh Lâm Đồng có diện tích hơn 9.781 km2, dân số khoảng 1,5 triệu người; có 10 đơn vị hành chính cấp huyện và 137 đơn vị hành chính cấp xã. Tỉnh Đắk Nông có diện tích 6.509 km2, dân số hơn 746 nghìn người; có 8 đơn vị hành chính cấp huyện; 71 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 7 xã biên giới tiếp giáp Campuchia. Tỉnh Bình Thuận có diện tích hơn 7.942 km2, dân số hơn 1,5 triệu người; có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 121 đơn vị đơn vị hành chính cấp xã. Việc tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp là một nội dung rất quan trọng trong việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 27 Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII.

Tại Nghị quyết số 60 ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất phương án nhập 3 tỉnh Đắk Nông, Bình Thuận và Lâm Đồng thành một tỉnh mới lấy tên là tỉnh Lâm Đồng với trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Lâm Đồng dự kiến sắp xếp còn 51 xã mới (gồm 9 phường, 42 xã), giảm 62,77%; giữ nguyên trạng 2 xã. Đắk Nông dự kiến sắp xếp còn 28 xã (giảm 60,57%); giữ nguyên 2 xã. Bình Thuận dự kiến sắp xếp còn 45 xã (36 xã và 8 phường, 1 đặc khu Phú Quý), giảm 62,8%.
Hiện nay, Tỉnh ủy các tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính; UBND các tỉnh đã ban hành các Kế hoạch để triển khai thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính, việc tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn. Căn cứ kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn, UBND các tỉnh xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức triển khai lấy ý kiến cử tri tại các đơn vị hành chính có liên quan.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các tỉnh đã báo cáo quá trình chuẩn bị sáp nhập; kiến nghị một số giải pháp để bảo đảm tỉnh mới sớm đi vào hoạt động ổn định. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo chủ trương hiện nay của Đảng là cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, có quy mô lớn nhất, toàn diện và triệt để nhất từ trước đến nay, có tác động sâu rộng tới tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương và trực tiếp đến từng người dân trên cơ sở vì lợi ích chung và sự phát triển của đất nước.
Đây cũng là bước đi quan trọng trong việc tiếp tục đổi mới tư duy quản trị quốc gia, quản trị địa phương, sắp xếp, tổ chức lại các tỉnh, thành phố và cấp xã để mở rộng không gian phát triển với tầm nhìn dài hạn, đảm bảo tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới phục vụ tốt nhất người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá cao 3 địa phương trong việc phối hợp triển khai Nghị quyết số 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; đồng thời đề nghị các địa phương vừa sắp xếp bộ máy, vừa đảm bảo phục vụ nhân dân, vừa không để ảnh hưởng đến tăng trưởng phát triển kinh tế; song song với đó, cần làm tốt cho công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã trên tinh thần khoa học, hợp lý, khả thi, phù hợp vớiđiều kiện thực tiễn từng địa phương; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân bảo đảm sự thống nhất, đồng thuận cao trong triển khai thực hiện; xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; thực hiện sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo lộ trình; quá trình thực hiện phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, đúng người, đúng việc, đúng năng lực, hiệu quả công tác.
Quang Hoạt-Ngọc Tuấn