Lamdongtv.vn - UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo “Thực trạng công tác thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. Ông Nguyễn Ngọc Phúc – PCT UBND tỉnh đại diện các sở ngành, địa phương,các doanh nghiệp, các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng tham dự.
Theo số liệu khảo sát, hiện nay tổng lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng khoảng 400 ngàn tấn/năm, tương đương gần 1.100 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom tại khu vực đô thị trung bình đạt 96% (tăng 8% so với năm 2021) và khu vực nông thôn đạt khoảng 80% (tăng 13% so với năm 2021).

Tỉnh hiện có 3 nhà máy xử lý CTRSH đã được đầu tư và đi vào hoạt động và 3 nhà máy đang triển khai xây dựng. Công tác thu gom, xử lý rác thải gặp không ít khó khă như: Lượng chất thải điện tử và điện dân dụng thải ra cùng với chất thải sinh hoạt mà chưa được phân loại; lượng chất thải cồng kềnh ngày càng tăng lên. Việc chôn lấp và xử lý chung gây ra nhiều tác hại cho những người tiếp xúc trực tiếp;tiến độ đầu tư các công trình xử lý rác thải chậm;Một số nhà đầu tư chưa thực sự nỗ lực trong công tác đầu tư hoàn thiện các hạng mục công trình;Năng lực tài chính của một số nhà đầu tư còn hạn chế, công nghệ xử lý còn lạc hậu;Việc tổ chức triển khai quy hoạch quản lý chất thải rắn đã phê duyệt tại các địa phương còn chậm, thiếu nguồn lực để thực hiện. Trong khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có một số quy định lỗi thời không phù hợp mà Trung ương chưa có văn bản hướng dẫn thay thế.
Để khắc phục các hạn chế đó, Lâm Đồng có định hướng quy hoạch khu xử lý chất thải rắn cấp tỉnh, vùng; Đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp như: Lâm Đồng cần chú trọng công tác bảo vệ môi trường từ khâu phát sinh cho đến công đoạn xử lý, áp dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm quỹ đất và kinh phí đầu tư, vận hành, đảm bảo hiệu quả tối ưu.
Hỗ trợ tối đa cho các dự án đang hoạt động, đang triển khai đầu tư sớm hoàn thiện để hoạt động ổn định với công nghệ hiện đại; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm liên quan đến quản lý nhà nước và đơn giá về thu gom, xử lý chất thải rắn; phân loại rác tại nguồn; Tăng cường xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển, phân lo ại, tái chế rác thải. Phát triển các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường.
Mặt khác cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý chất thải, và triển khai nghiên cứu áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải.
Mai An