Lamdongtv.vn - Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng, đến thời điểm này, ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng tăng cả 3 tiêu chí gồm: diện tích cây dâu (39%), sản lượng lá dâu (21%) và sản lượng kén tằm (51,5%).
Tổng diện tích dâu tằm toàn tỉnh gần 10.300 ha, tăng gần 2.900 ha so với năm 2018. Trong đó, diện tích dâu tằm giống mới hơn 8.200 ha, ứng dụng công nghệ cao hơn 2.000 ha. Trung bình mỗi năm chuyển đổi, trồng mới khoảng 3.000 ha diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại giống dâu tằm mới, năng suất bình quân 22 - 23 tấn/ha, tập trung phần lớn địa bàn TP Bảo Lộc và các huyện Đạ Huoai, Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Đam Rông. Sản lượng lá dâu tằm các giống mới tăng mỗi năm khoảng 19,5% so sánh với các giống dâu tằm cũ.
Trong năm 2024 cung cấp 377.220 hộp giống tằm lưỡng hệ, tăng gần 217.900 hộp, đáp ứng nhu cầu sản xuất kén trên địa bàn, tương ứng với tỷ lệ gần 57,7%. Qua đó, toàn tỉnh đã hình thành và phát triển 12 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm tơ tằm cấp huyện và cấp tỉnh, thu hút khoảng 630 nông hộ tham gia, có 150 cơ sở thu mua kén tằm, 36 cơ sở ươm tơ với công suất chế biến 1 tấn kén/cơ sở/ngày.
Dây chuyền chế biến tơ lụa trong tỉnh được đầu tư theo công nghệ hiện đại 100 dãy ươm tơ tự động với 400 mối/dãy, đáp ứng chất lượng sản phẩm trên thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Công nghiệp dệt trên 5 triệu mét lụa mộc/năm, công nghiệp may lụa tơ tằm khoảng 200.000 sản phẩm/năm, hàng năm ổn định việc làm trên 2.000 lao động địa phương. Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp bằng công nhận 6 làng nghề tằm trồng dâu, nuôi tằm, chế biến tơ Đông Anh 3, Đông Anh 5 (Nam Ban, Lâm Hà); Thôn 3 (Lộc Tân, Bảo Lâm); Đạ Kho; Đạ Pal (Đạ Huoai); Đạ Rsal (Đam Rông).
Hoàng Phúc