Lamdongtv.vn - Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” trong vùng đặc biệt khó khăn, đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong việc cụ thể hóa mục tiêu của Dự án 8, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021–2030, giai đoạn I: 2021 - 2025.
Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, liên quan; Hội LHPN các huyện, xã tại địa bàn Dự án 8; các Chi hội trưởng trực tiếp quản lý và vận hành các mô hình Địa chỉ tin cậy cộng đồng tại cơ sở.
Mô hình ‘Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng’ như một giải pháp thiết thực và kịp thời hiệu quả nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền con người, bình đẳng giới và phòng ngừa vi phạm pháp luật đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Qua 4 năm thực hiện, trong toàn tỉnh có 97 Mô hình “ Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, trong đó các vùng đặc biệt khó khăn thuộc dự án 8 đã xây dựng đươc 27 mô hình với 405 thành viên. Mỗi mô hình xây dựng, bước đầu các cấp Hội hỗ trợ mua cơ sở vật chất, thiết bị để duy trì và phục vụ công tác tạm lánh của người bị bạo lực 15 triệu/mô hình.

Tuy nhiên việc triển khai mô hình này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về kỹ năng xử lý tình huống, thiếu thông tin pháp lý, cơ sở vật chất chưa đảm bảo như địa chỉ tin cậy vẫn đặt nhờ ở nhà những người có uy tín trong thôn, điều đó cho thấy khó khăn về không gian sinh hoạt, không có phòng riêng để tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân. Một số địa phương vẫn còn tư tưởng coi bạo lực gia đình là “việc riêng” của mỗi gia đình vv..
Từ những khó khăn này, tại hội thảo các đại biểu đã tập trung đánh giá thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm triển khai và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương trong thời gian tới trong đó tập trung sự liên kết, phối hợp đa ngành, phát huy vai trò của chính quyền, tổ chức đoàn thể, cá nhân tình nguyện và người dân trong công tác phòng chống bạo lực gia đình tại địa phương để nâng cao chất lượng và hiệu quả thực tiễn của mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em, góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới, an toàn và văn minh, đạt được các mục tiêu của dự án 8 đã đề ra./.
Lô Thanh