Chợ nổi Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nằm ở đoạn sông Tiền giáp gianh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre, từng là minh chứng sinh động cho nét văn hóa đặc sắc của miền sông nước phương Nam
Những năm gần đây, cùng với những đổi thay trong đời sống, chợ nổi Cái Bè giảm dần vai trò là trạm trung chuyển nông sản từ miền Tây lên TP.HCM, thay vào đó là hướng đi mới gắn với phát triển du lịch.
Không còn cảnh họp chợ từ tờ mờ sáng như xưa, hay như các chợ nổi khác ở miền Tây Nam Bộ, chợ nổi Cái Bè giờ đây chỉ bắt đầu hoạt động khi nắng đã lên cao, nhộn nhịp nhất là từ gần trưa tới cuối chiều. Trái cây và nhiều mặt hàng nông sản, quà bánh đặc sản của tỉnh Tiền Giang và các tỉnh lân cận được bày bán trên các ghe, thuyền neo đậu bên sông.
Chợ nổi Cái Bè giờ chủ yếu phục vụ khách du lịch khi đến Tiền Giang, là điểm tham quan cho du khách tìm hiểu văn hóa chợ nổi và mua sắm đặc sản. Dù vậy, chợ vẫn lưu giữ được nét sinh hoạt của đời sống sông nước miền Tây, vẫn phục vụ phần nào nhu cầu đi chợ hằng ngày của người dân quanh vùng. Những ngày giáp Tết, chợ thêm sôi động với các loại hoa kiểng, trái cây Tết được đưa về cho bà con mua sắm.
Văn hóa sông nước miền Tây Nam Bộ với đặc trưng là những khu chợ nổi trên sông đã gắn liền với đời sống người dân hàng mấy trăm năm, khi điều kiện đường sá còn thiếu thốn. Với sự phát triển của giao thông và những đổi thay trong đời sống những năm thế kỷ 21, nhiều chợ nổi lụi tàn, biến mất. Những chợ nổi còn lại như chợ nổi Cái Bè phải tìm hướng đi mới, chủ yếu gắn với du lịch. Chợ nổi giờ đây cần những sáng tạo, đổi mới để hấp dẫn du khách hơn
Tết đến, xuân về, thăm miền Tây sông nước, du khách đừng quên ghé thăm các chợ nổi trên sông – nơi lưu giữ, lắng đọng hồn quê, tình người của vùng đất mênh mang sóng nước Cửu Long.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng