Tin tức

Thoát nghèo từ Tầm Vông

Thứ tư, 19/02/2020 - 07:23

Lamdongtv.vn - Những năm gần đây việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là ở khu vực đồi núi của huyện Đạ Tẻh đạt được những kết quả hết sức tích cực. Nhiều cây trồng mang lại hiệu quả cao cho bà con nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cụ thể như mô hình trồng tre tầm vông là đã giúp nhiều gia đình ở xã An Nhơn – huyện Đạ Tẻh thoát nghèo, cuộc sống ngày càng ổn định hơn. 
Xanh ngát… thẳng hàng, thẳng lối là những gì đập vào mắt của mọi người khi đến với những ngọn đồi, sườn núi của xã An Nhơn – huyện Đạ Tẻh. Đó chính là mô hình tre tầm vong được các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi từ nguồn vốn hỗ trợ của địa phương. Cũng như nhiều gia đình trong thôn Tố Lan xã An Nhơn, được Nhà nước giao đất trồng tầm vông trong thời hạn 50 năm, với 3 ha cho thu hoạch trong năm nay, đầu ra ổn định, hợp đồng thu mua từ các doanh nghiệp nên sẽ giúp ông K’Miếu có một nguồn thu nhập cho gia đình, góp phần nâng cao cuộc sống.

Ông K”Miếu – xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh nói: Trước đây nhà mình chỉ trồng cà phê, nhưng ít lắm, từ này có dự án này, nhà nước bỏ vốn, mình chỉ bỏ công, ma trồng chăm sóc cũng không khó, thấy hiệu quả lắm,…
Qua hơn 3 năm thực hiện trồng tre tầm vong, đến nay trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đã nhân rộng được 40 ha, tập trung tại các xã là An nhơn và Hương Lâm, với 50 hộ tham gia và hầu hết là bà con dân tộc thiểu số. Ưu điểm của loại cây trồng này là có thể trồng được trên khu vực địa hình đồi núi, dễ sống, không tốn nhiều chi phí, công chăm sóc. Ước tính năng suất 1 ha tầm vông mỗi năm thu về từ 5 - 7 ngàn cây, mỗi cây cao từ 5 mét đến 10 mét. Chỉ mới trong giai đoạn thu bói nhưng bà con ở đây đã thu về lợi nhuận rên 100 triệu đồng từ loại cây này.  

Ông Lưu Văn Phượng – PCT UBND xã An Nhơn – huyện Đạ Tẻh cho biết: Gọi là giao đất cho dân canh tác nhưng hầu hết mọi việc đều được huyện hỗ trợ một cách tích cực, huy động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên trong huyện đến giúp các gia đình trong hầu hết các khâu canh tác, từ đào hố, xuống giống cây, bón phân cho cây. Không chỉ cấp giống cây và phân bón, định kỳ huyện còn cử cán bộ đến hỗ trợ kỹ thuật cho từng hộ dân.
Lãnh đạo chính quyền địa phương cho biết, ngoài tiêu thụ tại tại chỗ thì hiện nay sản phẩm này đã được các doanh nghiệp tại các tỉnh như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu đặt hàng để thu mua cho bà con. Huyện Đạ Tẻh với lợi thế về địa hình, nếu phát triển được tre tầm vong sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Ông Lưu Văn Phượng – PCT UBND xã An Nhơn – huyện Đạ Tẻh cho biết: Toàn bộ số cây thu hoạch này hợp đồng người thu mua mang xe đến tận nơi để gom cây, tùy theo kích thước của cây mà có giá cụ thể, thấp nhất cũng 3 nghìn đồng/cây; còn nếu cây đạt chiều cao khoảng 10 m giá 32 nghìn đồng/cây. Do năm đầu tiên thu hoạch nên hầu hết cây còn thấp và nhỏ, năm sau cây sẽ cao và lớn hơn rất nhiều, số cây thu cũng nhiều hơn.

Chỉ với hai vụ tầm vông thu đầu, nông dân huyện Đạ Tẻh đã có thể hoàn trả vốn đầu tư. Từ năm thứ ba trở đi, rừng tầm vông hoàn toàn thuộc về tài sản của nông dân với đầu ra ổn định và thời gian thu hoạch của cây đến 20 năm sau. Tin rằng, với những hiệu quả rõ rệt ấy, triển vọng vùng rừng tầm vông sẽ giúp bà con nông dân nơi đây, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên và thoát nghèo bền vững./.
Phương Thảo - Quang Hoạt

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa OK TT