Theo các chuyên gia kinh tế, thời điểm này là lúc doanh nghiệp rất cần các chính sách của CP như giãn thuế, hoãn thuế, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ vốn vay nhanh chóng đi vào thực tiễn, hỗ trợ phần nào doanh nghiệp trong lúc hoạt động đình trệ.
Khi dịch bệnh Covid 19 lan rộng ra trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, hoạt động sản xuất kinh doanh của hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam bị đình trệ. Đặc biệt, việc dịch bệnh bùng phát mạnh và khó lường ở cả 3 thị trường chính và lớn là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, khiến việc tìm lối thoát cho các doanh nghiệp càng khó khăn
Dịch bệnh Covid 19 đã tác động đến mọi mặt hoạt động, cả xuất và nhập khẩu của các doanh nghiệp Hội doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao. Không chỉ thiếu nguyên liệu nghiêm trọng cho sản xuất, như dệt may, da giày, mà thị trường cũng bị đóng băng, các doanh nghiệp xoay xở trong khó khăn để vừa duy trì việc làm cho công nhân, vừa gồng mình lên phòng chống với dịch bệnh. Tính chung, doanh nghiệp có thể thiệt hại đến hơn 50% doanh thu và chi phí tăng đến 30%.
Theo các chuyên gia kinh tế, thời điểm này là lúc doanh nghiệp rất cần các chính sách của CP như giãn thuế, hoãn thuế, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ vốn vay nhanh chóng đi vào thực tiễn, hỗ trợ phần nào doanh nghiệp trong lúc hoạt động đình trệ. Sau đó, về lâu dài, thì đây chính là lúc mà bản thân doanh nghiệp phải tự nỗ lực nhiều hơn nữa để cơ cấu lại sản phẩm, thị trường, xác định lại mục tiêu của mình trong dài hạn, thay đổi công nghệ. Trong bối cảnh này, liên kết là sức mạnh để vượt qua khó khăn.
Khó khăn bởi dịch bệnh, thậm chí có thể khiến rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phải đóng cửa vì không có nguyên liệu, không có thị trường. Nhưng đây cũng là dịp để biến “nguy” thành “cơ”, xoay trục ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, hoặc nhắm đến những sản phẩm thiết thực hơn với nhu cầu thị trường. Cũng đã có một số doanh nghiệp tận dụng được cơ hội “cay đắng” từ dịch Covid 19, tiếp tục hoạt động ổn định, phòng chống dịch bệnh và chăm lo tốt cho công nhân./.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng