(Lamdongtv.vn) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố kết quả chỉ số cải cách hành chính và chỉ số sự hài lòng về sự phục vụ hành chính
Tại đầu cầu Lâm Đồng có ông Nguyễn Văn Yên - Ủy viên BTV Tỉnh ủy - PCT UBND tỉnh và sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương liên quan.
Theo báo cáo công bố tại hội nghị, Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019 là 85.6%, tăng 2.9% so với năm 2018, kết quả được chia làm 2 nhóm: Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 90%, bao gồm 03 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp. Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số CCHC từ trên 80% đến dưới 90%, gồm 14 đơn vị còn lại. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số CCHC năm 2019 cao nhất với kết quả là 95.4% và Bộ Giao thông vận tải có kết quả Chỉ số CCHC thấp nhất với giá trị 80.53%. Kết quả Chỉ số CCHC 2019 của các tỉnh, thành phố được phân theo 3 nhóm như sau:Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, gồm 01 tỉnh Quảng Ninh. Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% - dưới 90%, gồm 43 tỉnh, thành phố. Nhóm C, đạt kết quả Chỉ số từ 70% - dưới 80%, gồm 19 tỉnh, thành phố. Theo đánh giá, Chỉ số CCHC 2019 của các tỉnh, thành phố có kết quả đạt giá trị trung bình là 81.1%, cao hơn 4.2% so với giá trị trung bình năm 2018 và là kết quả cao nhất trong 4 năm gần đây. Điểm tích cực khác đó là, trong năm 2019 không có địa phương nào đạt kết quả dưới 70%. Theo kết quả xếp hạng, chỉ số CCHC tỉnh Lâm Đồng đạt 80.66% đứng thứ hạng 40/63 trong bảng xếp hạng.
Theo báo cáo chỉ số sự hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 có 84,45% người dân tổ chức hài lòng về sự phục vụ hành chính, tăng gần 1,5% so với năm 2018. Điều đáng chú ý, các chỉ số về tiếp cận dịch vụ tăng nhiều nhất; còn với các chỉ số về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến phản ánh kiến nghị không chỉ thấp nhất mà cũng giảm nhiều nhất. Còn tại Lâm Đồng, chỉ số này đạt 86,7% đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng.
Trong năm 2019, người dân, tổ chức tiếp tục có những đánh giá cao về kết quả CCHC ở các địa phương. Điều này cho thấy, niềm tin và sự ủng hộ của Nhân dân ngày càng cao đối với các chủ trương, chính sách CCHC tại địa phương; kết quả thực hiện CCHC đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống. Bên cạnh đó, kết quả đánh giá cũng cho thấy, đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý vẫn còn mong đợi nhiều hơn nữa đối với việc triển khai nhiệm vụ CCHC; đây là tín hiệu lạc quan và động lực cần thiết để tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo nâng cao hiệu quả cải cách trong thời gian tới./.
Thảo Trang