(Lamdongtv.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 9, ngày 21/5, ông Đoàn Văn Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các vị Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã tham dự phiên họp trực tuyến ngày làm việc thứ 2
Phiên họp này đề cấp đến các tờ trình và báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Biên phòng Việt Nam; báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự án Luật doanh nghiệp sửa đổi; Tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sửa đổi; báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp và thảo luận trực tuyến về một số nội dung vẫn còn có ý kiến khác nhau của các dự án Luật này.
Tại phiên làm việc sáng, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Theo đó, Luật Biên phòng Việt Nam gồm 7 chương, 33 điều, quy định các nội dung cơ bản về: Nhiệm vụ biên phòng, lực lượng và phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; hợp tác quốc tế về biên phòng; lực lượng Bộ đội Biên phòng; bảo đảm và chế độ chính sách về biên phòng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng. Mục tiêu của Luật biên phòng Việt Nam nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia, trong đó có Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính thống nhất với các luật hiện hành; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng và các văn bản pháp luật khác có liên quan, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ đội biên phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nghe báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật doanh nghiệp sửa đổi, một trong những nội dung tiếp tục xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này là phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp. Với hai phương án để xin ý kiến: Phương án 1: Nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Phương án 2: Đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.
Buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sửa đổi, nghe báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp. Trên cơ sở nội dung của các Dự án Luật, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp, nhất là xử lý vướng mắc, bất cập trong hoạt động giám định tư pháp, điều kiện thành lập văn phòng giám định tư pháp, thời hạn giám định, tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp… Từ những nội dung thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra đã làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu.
Ngày 22/5, Quốc hội tiếp tục nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật thỏa thuận Quốc tế, tờ trình về dự kiến chương trình, giám sát của Quốc hội năm 2020, tờ trình và thảo luận trực tuyến về dự kiến chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính, giải trình tiếp thu, chỉnh lý luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan thẩm tra làm rõ một số vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu./.
Hoàng Ái