Tin tức

Giám sát thực hiện chính sách pháp luật về Phòng, chống xâm hại trẻ em

Thứ năm, 28/05/2020 - 09:40

(Lamdongtv.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, ông Đoàn Văn Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng các vị ĐBQH Đoàn Lâm Đồng đã tham dự kỳ họp trực tuyến

Qua tham dự để nghe Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, đồng thời thảo luận góp ý một số nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. 
Trình bày báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Thực hiện nghị quyết số 81 của Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội và Kế hoạch giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, Đoàn giám sát đã yêu cầu Chính phủ, 14 bộ, ngành và các địa phương báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, tổ chức 3 Đoàn công tác trực tiếp giám sát tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan trung ương; tổ chức các hội thảo chuyên sâu; điều tra xã hội học; khảo sát trực tiếp một số trường học, cơ sở trợ giúp xã hội và Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em; nghiên cứu một số vụ án cụ thể và triển khai nhiều hoạt động khác thuộc phạm vi giám sát. Qua giám sát cho thấy trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của các ngành, các cấp, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em.
 
Đến nay, tất cả trẻ em dưới 6 tuổi được Nhà nước cấp bảo hiểm y tế miễn phí; gần 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng mở rộng; gần 100% trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo; khoảng 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách trợ giúp xã hội. Tuy nhiên, qua giám sát cũng cho thấy, tình hình trẻ em còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, số lượng trẻ em có nguy cơ bị xâm hại vẫn đang còn rất lớn, tình trạng bạo hành trẻ em, trường hợp tảo hôn ở một số vùng dân tộc thiểu số vẫn còn cao, phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi, phức tạp và khó lường. Bên cạnh đó việc ban hành văn bản pháp luật chưa kịp thời, còn thiếu những văn bản chuyên ngành; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em còn nhiều hạn chế, tồn tại, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu.
Thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, đa số các ý kiến đồng tình, đánh giá cao những kết quả trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, nhất là thể hiện được sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các ngành, các địa phương trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tuy nhiên một số ý kiến khác cho rằng; Cần phải xác định, làm rõ trách nhiệm của những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, quy định chặt chẽ hơn nữa Luật Trẻ em và các luật có liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các Nghị định về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiển, Viện Trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị : Chúng tôi cho rằng cần có điều tra khoa học, thống kê số liệu trong thời gian qua và các hình thức tổn hại khác theo luật để dự báo, có kế hoạch phòng, chống, lòng ghép các chương trình hành động bảo vệ quyền của trẻ em.. 
Góp ý thêm về việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, ông Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Cần phải đẩy mạnh công tác tuyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tăng cường sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, cơ quan tổ chức, đoàn thể chính trị trong tuyên truyền, giáo dục trẻ em. 
Ông Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng : Xem xét có quy định riêng cụ thể về bảo vệ chăm sóc trẻ em, trên môi trường mạng, đánh giá tổng thể hệ thống pháp luật hiện hành, đề nghị xem xét sử đổi quy định về thủ tục đưa vào trường giáo dưỡng đối với người dưới 16 tuổi, nghiên cứu tài liệu giảng dạy.. 

Ngày mai 28/5, buổi sáng, Quốc hội tiếp tục nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra về chương trình mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, nghe báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý, thảo luận trực tuyến Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, PPP. Buổi chiều Quốc hội nghe tờ trình đề nghị phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, báo cáo kiểm toán ngân sách nhà nước năm 2018, báo cáo Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, Giải trình tiếp thu, chỉnh lý, thảo luận trực tuyến Dự án Luật sửa đổi một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê Điều, sau đó cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp, làm rõ một số vấn đề mà mà Đại biểu Quốc hội quan tâm. Được biết, đây là ngày làm việc cuối cùng kết thúc đợt I, Kỳ họp thứ 9, sau đó Quốc hội họp tập trung đợt II từ ngày 8/6-18/6/2020 tại thủ đô Hà Nội./.
Hoàng Ái

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa