Tin tức

Phát triển cây dược liệu gắn với quản lý, bảo vệ rừng

Thứ bảy, 30/05/2020 - 07:39

Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum đang chú trọng triển khai các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng

Trong đó, có nhiều loại dược liệu có trong Danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm như Sâm Ngọc Linh, Sâm dây đang được bảo tồn, phát triển.
Căn cứ Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm tại Nghị định 06/2019, hiện nay, trên địa bàn 3 xã Xốp, Mường Hoong, Ngọc Linh, huyện Đăk Glei có Sâm Ngọc Linh thuộc nhóm IA và Đẳng sâm hay còn gọi Sâm dây thuộc nhóm IIA đang được bà con nhân rộng tại các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng.
 
Sâm dây không được trồng trực tiếp dưới tán rừng, nhưng lại là loài cây ưa lạnh. Vì vậy, để phát triển mô hình Sâm dây, gia đình anh A Lúa ở thôn Tân Túc, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei rất chú trọng đến vấn đề bảo vệ rừng. 
Xã Mường Hoong hiện có khoảng 65 ha Sâm dây, mỗi ha Sâm dây cho thu nhập trung bình từ 400 đến 450 triệu đồng. Mỗi hộ gia đình thường trồng từ 1 đến 2 sào nên số hộ tham gia trồng sâm dây trên địa bàn xã lên đến hơn 600 hộ. Mỗi người đóng góp 1 phần công sức vào công tác bảo vệ và phát triển rừng cũng chính là tạo môi trường thuận lợi cho cây Sâm dây phát triển.
Sâm Ngọc Linh là loài ưa bóng mát, được trồng trực tiếp dưới tán rừng, chỉ những vùng rừng có độ che phủ cao thì cây Sâm mới có điều kiện sinh trưởng và phát triển.  Đây là mô hình trồng Sâm Ngọc Linh. Người Xê Đăng không trồng Sâm Ngọc Linh riêng lẻ mà trồng theo nhóm hộ để thuận tiện cho việc chăm sóc, bảo vệ vườn Sâm.
Hiện nay, trên địa bàn 3 xã Xốp, Mường Hoong và Ngọc Linh có gần 4,4 ha Sâm Ngọc Linh và hơn 232 ha Sâm dây. Với hơn 30.200 ha rừng và đất lâm nghiệp, đây cũng là khu vực rừng có độ che phủ cao. Trong đó, xã Ngọc Linh có độ che phủ rừng đạt gần 78%, xã Mường Hoong hơn 82%, đặc biệt, xã Xốp đạt trên 92%. 
Trồng dược liệu dưới tán rừng gắn với công tác bảo vệ và phát triển rừng hiện là hướng đi đúng đắn. Các loài cây dược liệu như Sâm dây, Sâm Ngọc Linh không chỉ dễ trồng, phù hợp với phương thức canh tác truyền thống của người Xê Đăng mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy việc nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng cho bà con./.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa