(Lamdongtv.vn) - Thời gian qua, đặc sản Đà Lạt đã bị xâm phạm nghiêm trọng khi nhiều mặt hàng không có nguồn gốc xuất xứ, gắn nhãn mác, mạo danh thương hiệu của Đà Lạt, đã ảnh hưởng uy tín, thương hiệu nông sản Đà Lạt và quyền lợi của người tiêu dùng.
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói chung, tình trạng vi phạm nhãn hàng hóa xảy ra khá phổ biến, trong đó đặc biệt là hàng không rõ nguồn gốc, nhập lậu Trước thực tế này, việc xây dựng, triển khai đề án cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, truy xuất nguồn gốc các mặt hàng đặc sản Đà Lạt thông qua mã số, mã vạch đối với các cơ sở sản xuất, chế biến hàng đặc sản là cần thiết và kịp thời đem lại niềm tin cho người tiêu dùng, nhất là du khách khi đến nghỉ dưỡng, mua sắm tại Tp Đà Lạt.
Với chị Nguyễn Thị Hà, một du khách đến từ TPHCM, hàng đặc sản Đà Lạt luôn là những món quà không thể thiếu khi đến du lịch tại Tp Đà Lạt. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hoá có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là những tiêu chí được chị cũng như nhiều du khách khác lựa chọn hàng đầu.
Chị Nguyễn Thị Hà - TPHCM cho biết :Hình thức chỉ là một phần, chất lượng mới nói lên tất cả, nếu hàng chất lượng thì giá cả sẽ không rẻ, mình vẫn lựa chọn để đảm bảo sức khỏe cho gia đình
Anh Lê Đức Phú – Lang’s Farm Đà Lạt nói: mã số mã vạch rất cần thiết với khách hàng, có nguồn gốc thì người tiêu dùng dễ lựa chọn và phân biệt với nguồn hàng khác, rất cần thiết đối với đơn vị
Theo thống kê của ngành chức năng, thời gian qua, đặc sản Đà Lạt đã bị xâm phạm nghiêm trọng khi nhiều mặt hàng không có nguồn gốc xuất xứ, gắn nhãn mác, mạo danh thương hiệu của Đà Lạt. Vấn đề này đã gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng uy tín, thương hiệu nông sản Đà Lạt và quyền lợi của người tiêu dùng. Do vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý, truy xuất nguồn gốc các mặt hàng đặc sản Đà Lạt là yếu tố cần thiết, giải quyết triệt để tình trạng này.
Ông Lương Thế Lâm - Giám đốc Công ty Hani Đà Lạt nói : Khi thành lập công ty, tôi đã nghỉ ra mình phải đăng ký mã số mã vạch, ngoài việc dễ tính tiền và quản lý sản phẩm thì người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm và an tâm hơn….
Sở Công thương Lâm Đồng cho biết, trên địa bàn Tp Đà Lạt hiện có 183 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các mặt hàng đặc sản Đà Lạt, phần lớn là sản xuất thủ công, trong đó Chợ Đà Lạt vẫn là kênh phân phối truyền thống được người tiêu dùng và du khách lựa chọn. Để thực hiện Đề án truy xuất nguồn gốc đặc sản Đà Lạt bằng mã số mã vạch(MSMV), bước đầu Sở công thương đã lựa chọn 25 hộ tiểu thương trong tổng số trên 70 cơ sở tham gia đề án. Các tiểu thương cũng đã ý thức hơn về tầm quan trọng của công cụ mã số mã vạch trong bán lẻ, người bán hàng dễ dàng chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá, giá cả niêm yết, tiếp tục tạo dựng niềm tin thông qua việc hướng dẫn cho khách hàng quét mã vạch hoặc QR Code bằng phần mềm Scan & Check hoặc Zalo….vv.
Chị Vũ Nguyễn Thị Thu Thủy - Cửa hàng đặc sản Triều Ly, Chợ Đà Lạt nói : Sở Công Thương hỗ trợ mình đăng ký, đưa QR code để mình sử dụng, khách hàng rất ưng ý và chấp nhận khi các sản phẩm có cái mã này, đảm bảo chất lượng, khi khách mua hàng thì mình chỉ dẫn, cùng kiểm tra với khách
Bà Phạm Thị Nhâm - Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Lâm Đồng cho hay : đối với các sản phẩm đặc sản thì trên nền mã truy xuất mã số mã vạch, có nghĩa các doanh nghiệp khi sản xuất hàng hóa phải đăng ký mã số mã vạch qua tổng cục đo lường chất lượng, việc này các sản phẩm được truy xuất tận gốc,
Ông Ngô Thanh Sơn – Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Lâm Đồng cho biết : Chúng tôi đã có hướng dẫn nhà sản xuất để thực hiện việc đăng ký, người tiêu dùng chỉ dùng điện thoại quét và sẽ hiển thị trên điện thoại, ứng dụng của MSMV, vận động cơ sở tham gia, cách đóng phí, in ấn và hướng dẫn đăng ký, duy trì chương trình
Tuy vẫn còn những khó khăn nhất định như người tiêu dùng mua hàng chưa quan tâm đến mã số, mã vạch, chỉ tập trung xem xét về giá, chất lượng sản phẩm; số lượng các doanh nghiệp ứng dụng mã số mã vạch hiện nay vẫn còn thấp, mới chỉ dừng lại ở việc thí điểm, chưa được triển khai đại trà. Do vậy, trong thời gian tới, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục hướng dẫn các cơ sở kinh doanh tham gia chương trình này, nâng cao ý thức bảo vệ thương hiệu, chống gian lận thương mại cũng như nâng cao kiến thức, trách nhiệm trong sản xuất, chế biến và kinh doanh hàng đặc sản Đà Lạt. Ngoài ra đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng nhận diện, truy xuất sản phẩm đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, Đặc sản Đà Lạt ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc là tín hiệu mới, qua đó không chỉ nâng tầm cho chất lượng, uy tín sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của Đà Lạt mà còn khẳng định thương hiệu đặc sản gắn với địa danh Đà Lạt – Lâm Đồng./.
Hoàng Phúc