Tin tức

Cần giải pháp căn cơ để giữ rừng hiệu quả

Thứ tư, 08/07/2020 - 07:11

(Lamdongtv.vn) - Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy - UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, thời gian qua công tác quản lý bảo vệ rừng ở Lâm Đồng có nhiều chuyển biến tích cực

Nhiều vụ phá rừng được kịp thời phát hiện, đối tượng vi phạm bị xử lý; công tác xử lý, kỷ luật, luân chuyển cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng cũng được thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp chưa bao giờ hết “nóng”. Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp căn cơ, thật sự hiệu quả để đẩy lùi nạn phá rừng, góp phần phát triển rừng bền vững. 
Tiểu khu 121, lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, huyện Lạc Dương quản lý. Hơn 17 cây thông ba lá trên 30 năm tuổi vàng lá và chết dần. Nguyên nhân, bị lâm tặc khoan lỗ, đổ hóa chất làm cho cây mất khả năng sống… và trong tháng 5/2020, tại tiểu khu 112B, thị trấn Lạc Dương, lâm phần do Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý cũng có 129 cây thông 3 lá, nhóm 4 bị đốn hạ, với khối lượng thiệt hại hơn 45 m3. Xác định của cơ quan chức năng, rừng thông bị cắt hạ, ken gốc xảy ra từ năm 2016 đến nay. Vụ việc đang đặt ra công tác quản lý rừng ở Lạc Dương.
Không chỉ để mất rừng do thủ đoạn triệt hạ thông của lâm tặc, ngay cả những diện tích rừng có chủ được bảo vệ chặt chẽ cũng bị xâm hại. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn Lâm Đồng nhiều vụ phá rừng gây bức xúc trong dư luận. Điển hình như vụ hàng ngàn cây thông ở tiểu khu 292, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, bị hạ độc chết hàng loạt vào tháng 4/2019; vụ phá rừng bằng hình thức ken cây, đổ hóa chất, hủy hoại hàng trăm cây thông để chiếm đất tại tiểu khu 460, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, vào tháng 8/2019; vụ cưa hạ hàng trăm cây thông tại tiểu khu 216, xã Phi Liêng, huyện Đam Rông vào tháng 2/2020… 
Theo Chi cục kiểm lâm tỉnh, 6 tháng đầu năm nay toàn tỉnh đã phát hiện 326 vụ vi phạm Luật lâm nghiệp, trong đó có 47% vụ đã xác định được đối tượng, tăng 38 vụ so với cùng kỳ. Mặc dù diện tích và lâm sản thiệt hại đều giảm, thế nhưng việc gia tăng số vụ và xảy ra địa bàn “nóng” về phá rừng rất đáng lo ngại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Câu hỏi, giải pháp nào để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, giải quyết căn cơ tình trạng vi phạm luật lâm nghiệp ở Lâm Đồng là vấn đề dư luận đang quan tâm.

Trước tình trạng phá rừng ngày càng diễn biến phức tạp, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng và khôi phục rừng trên diện tích bị lấn chiếm giai đoạn 2020- 2025 tầm nhìn 2030”, đồng thời ngày 19/5/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng ra văn bản số 4523 về tổ chức Đợt cao điểm ra quân kiểm tra, truy quét tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ phá rừng để lấy gỗ, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Ngoài trách nhiệm của các cấp, ngành liên quan, trong đó kiểm lâm là lực lượng giám sát, đơn vị thực thi pháp luật về lâm nghiệp cần vào cuộc quyết liệt, đặc biệt là xử lý nghiêm những cán bộ, nhân viên và cả người đứng đầu các hạt kiểm lâm nếu để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư và Chỉ thị 30 Tỉnh ủy Lâm Đồng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến đáng kể, tuy nhiên, thực tế cho thấy, cuộc chiến bảo vệ rừng ở Lâm Đồng vẫn đứng trước nhiều khó khăn. Điều này đòi các cơ quan, đơn vị liên quan từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục vào cuộc “mổ xẻ” những nguyên nhân làm mất rừng, từ đó đề ra giải pháp đồng bộ để quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả./.
Mạnh Thành

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

TT OK Quảng cáo trang nội dung, cột giữa