Lamdongtv.vn -Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm triển khai Chỉ thị số 30 của Tỉnh ủy Lâm Đồng và 3 năm thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Đc Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy; Đc Đoàn Văn Việt - PBT Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đc Trần Đức Quận - PBT Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh; Đc Trần Văn Hiệp - PBT Tỉnh ủy, đã chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các ông bà trong BTV Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 13 điểm cầu với sự tham gia của các địa phương trong tỉnh.
Theo báo cáo, thực hiện Chỉ thị 30 của Tỉnh ủy Lâm Đồng, trong giai đoạn 2011 – 2014 Lâm Đồng đã tạo điều kiện cho 15.000 hộ gia đình sống gần rừng có việc làm, thu nhập từ dịch vụ môi trường rừng với đơn giá bình quân 300.000 – 400.000 đồng/ha; thực hiện cho thuê đất lâm nghiệp 410 dự án với gần 61.000ha; số vụ vi phạm Luật lâm nghiệp giảm từ 10 – 15% hàng năm. Công tác phát triển rừng, trồng cây phân tán được thực hiện đồng bộ, toàn tỉnh trồng được gần 18.000ha rừng, trên 724.000 cây phân tán; giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng trưởng bình quân 19%/ năm; tổng kinh phí đầu tư để phát triển rừng hàng năm đạt 175 tỷ đồng....
Về thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư, giai đoạn 2015 – 2019, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục giao hơn 11.000 ha rừng cho 1.824 hộ gia đình, 8 cộng đồng dân cư quản lý bảo vệ; công tác kiểm tra, giám sát rừng được các ngành, địa phương thực hiện 2 tháng/lần; công tác sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp được triển khai chặt chẽ theo hướng đổi mới; công tác phát triển rừng, trồng rừng và xây dựng mô hình giao rừng được các đơn vị chủ rừng triển khai sâu rộng, lấy nhân dân làm chủ thể để giữ rừng hiệu quả. Việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, quản lý dân di cư tự do, ký kết phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng được triển khai chặt chẽ, đảm bảo an ninh trật tự vùng rừng. Cũng trong giai đoạn vừa qua, toàn tỉnh đã lập hồ sơ hơn 6.000 vụ vi phạm Luật lâm nghiệp; đồng thời xử lý 97 trường hợp là tổ chức, đơn vị kiểm lâm, chủ rừng và các địa phương đã vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng.
Hội nghị đã nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thông qua Đề án về “Tăng cường quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng và khôi phục rừng trên diện tích bị lấn chiếm giai đoạn 2020- 2025 tầm nhìn 2030”, trên cơ sở đó các ngành và địa phương tập trung thảo luận, góp ý, đánh giá, nhận diện hạn chế, xây dựng giải pháp chuyên đề về quản lý bảo vệ rừng, trong đó nêu lên những bài học kinh nghiệm giữ rừng từ cơ sở; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu của từng ngành, địa phương và chủ rừng; đề xuất về cơ chế, chính sách để phát triển rừng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, trong đó đề xuất giải pháp phát triển rừng, công tác xử lý người đứng đầu các ngành liên quan, cán bộ, nhân viên các chủ rừng nếu để xảy ra vi phạm.
Phát biểu tại hội nghị, Phó bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt, khẳng định những kết quả đạt được trong công tác quản lý bảo vệ rừng thời gian qua. Tuy nhiên, đánh giá thực tế, trên địa bàn vẫn xảy ra nhiều vụ phá rừng phức tạp, nóng bỏng được dư luận quan tâm. Với trách nhiệm là sự điều hành, chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị các cấp, các ngành cần nhận diện rõ những lỗ hổng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng để có giải pháp thực hiện. Đặc biệt với những góp ý, đề xuất tại hội nghị cần được ghi nhận, trên cơ sở đó bổ sung, hoàn thiện Đề án quản lý, bảo vệ, phục hồi rừng bền vững Lâm Đồng trong thời gian tới:
Kết luận hội nghị, Đc Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy, đánh giá cao sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện Chỉ thị 30 của Tỉnh ủy, và Chỉ thị 13 của Ban Bí thư về quản lý bảo vệ và phát triển rừng; chuyển biến và nhận thức, trách nhiệm và hành động của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng bảo vệ rừng được nâng lên; công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm được thực hiện chặt chẽ. Những thành tự đó là điều đáng mừng, tuy nhiên trước diễn biến phức tạp và yêu cầu đặt ra đòi hỏi những giải pháp căn cơ trong cuộc chiến giữ rừng Lâm Đồng, đặc biệt là công tác phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm lâm nghiệp cần được thực hiện nghiêm minh hơn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, khẳng định: Muốn rừng yên thì phải có giải pháp đồng bộ, cùng với quy trách nhiệm thì phải đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ được giao hàng năm. Nếu cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân nào để xảy ra vi phạm phải xử lý kỷ luật, đặc biệt là không được né tránh trách nhiệm khi để xảy ra sai phá rừng. Đc Nguyễn Xuân Tiến, nhấn mạnh: kế thừa Chỉ thị 30 của Tỉnh ủy, Chỉ thị 13 của Ban Bí thư, Tỉnh ủy Lâm Đồng tiếp tục ban hành các Nghị quyết, với mục tiêu quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tiến tới đưa độ che phủ rừng đặt được mục tiêu đề ra:
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến, khẳng định về thành quả, kết quả đạt được trong công tác bảo vệ rừng của Lâm Đồng, dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bằng sự thống nhất, trách nhiệm của các ngành, địa phương và vai trò của chủ rừng, đặc biệt là lực lượng kiểm lâm đơn vị giám sát, thực thi pháp luật về lâm nghiệp phải làm tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời cấp ủy, chính quyền và ngành liên quan sớm bắt tay xây dựng giải pháp đồng bộ, thực hiện Đề án quản lý bảo vệ và phát triển rừng Lâm Đồng trong giai đoạn tới./.
Mạnh Thành