(Lamdongtv.vn) - Ông Cao Đức Phát Phó trưởng Ban thường trực Ban kinh tế TW cùng Đoàn công tác đã làm việc với tỉnh Lâm Đồng về thực hiện cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng - Bí thư Tỉnh uỷ, ông Trần Đức Quận - Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh, đại diện các ban xây dựng Đảng Tỉnh uỷ, thường trực HĐND, UBND, lãnh đạo các sở ngành và các địa phương đã làm việc với đoàn.
Hiện tổng diện tích đất lâm nghiệp đang SXNN lâu năm trước quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn tỉnh khoảng 52.000 ha, trong đó diện tích đất rừng sản xuất 34.916ha, đất rừng phòng hộ 16.883ha và đất rừng đặc dụng 242ha. Diện tích đất lâm nghiệp đang SXNN sau khi điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng, chủ yếu là diện tích mới bị phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp để canh tác nông nghiệp 91 ha (năm 2019); đối với diện tích này tỉnh đã chỉ đạo tổ chức giải tỏa và đưa vào kế hoạch trồng rừng sau giải tỏa hàng năm. Về loài cây trồng nông nghiệp trên diện tích đất lâm nghiệp: cây cà phê chiếm diện tích cao nhất 37.117 ha đều đã qua giai đoạn xây dựng cơ bản trồng 3-4 năm, hiện nay đang cho thu hoạch; cây hồ tiêu khoảng 482 ha.
Qua phân tích, doanh thu các mô hình trồng xen cây lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp trồng cây công nghiệp và nông nghiệp cao hơn so với trồng độc canh và người dân nhận thức trồng xen cây lâm nghiệp và thu hoạch sản phẩm ngoài gỗ (là quả, hạt) sẽ giúp có thêm thu nhập ngoài cây trồng nông nghiệp và công nghiệp, tạo và phục hồi môi trường xanh trên diện tích canh tác; góp phần bảo vệ đất, giảm xói mòn, rửa trôi, hỗ trợ dinh dưỡng tầng mùn đất, chắn gió; giảm chi phí nước tưới.
Bên cạnh đó, người dân cũng có nguyện vọng Nhà nước ban hành các hướng dẫn quy định về trồng mật độ thấp và khi mô hình thành rừng được hưởng lợi chi trả DVMTR vì đây đây là giải pháp hài hòa về lợi ích môi trường gắn với quyền lợi sinh kế của người dân thay cho giải pháp cưỡng chế, giải tỏa, chặt bỏ cây trồng nông nghiệp…
Mạnh Thành