Tin tức

Tín dụng Khánh Hòa gặp khó trong huy động vốn

Thứ ba, 11/08/2020 - 07:08

Tăng trưởng huy động vốn từ đầu năm đến nay ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập tích lũy trong dân giảm, lãi suất huy động thấp, cùng với đó là sự cạnh tranh giữa các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán và đặc biệt là vàng

Trước tình hình này, để bảo đảm nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, các tổ chức tín dụng một mặt điều tiết linh hoạt cơ cấu vốn trong hệ thống, mặt khác phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ nhằm thu hút vốn ngoài xã hội. 
Chưa khi nào, hoạt động huy động vốn của ngành ngân hàng gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Do tác động của dịch Covid-19, tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế giảm mạnh do các doanh nghiệp phải sử dụng nguồn vốn tự có để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiền gửi dân cư tăng trưởng thấp. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 3 lần điều chỉnh lãi suất điều hành (bao gồm cả giảm lãi suất huy động tiền gởi và lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi dịch bệnh). Lãi suất huy động bằng VND kỳ hạn dưới 1 tháng hiện phổ biến ở mức 0,1%-0,2%/năm, 1 tháng đến dưới 6 tháng 4%-4,25%/năm, từ 6 tháng đến dưới 12 tháng 4,4%-5,1%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên 6%-6,5%/năm. Lãi suất huy động thấp nên ngành ngân hàng khó huy động thêm vốn mới. Tuy nhiên, đây là giải pháp điều hành thiết yếu để tạo đà hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại. 
Khi dịch bệnh xảy ra, do tâm lý lo xa, người dân thường rút tiền từ ngân hàng về để dự trữ chi tiêu hay mua vàng, Đô la cất trữ; doanh nghiệp rút tiền về để khắc phục thiệt hại của dịch bệnh. Các ngân hàng còn cạnh tranh bởi các kênh thu hút vốn khác như tiết kiệm bưu điện, bảo hiểm nhân thọ, đầu tư bất động sản, chứng khoán...Vốn huy động toàn tỉnh đã giảm liên tục từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2020. Cụ thể, quý 1 năm nay, huy động vốn giảm 571 tỷ đồng so với đầu năm; cuối tháng 4 giảm 1.646 tỷ đồng. Tình hình bắt đầu khả quan từ tháng 5 trở đi. Đến cuối tháng 5, huy động vốn toàn tỉnh ước đạt 83.570 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 1.568 tỷ đồng, với tỷ lệ nhích dần lên, gần 2%. 
Cũng theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Khánh Hòa là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh. Từ năm 2017 đến nay, vốn huy động trên địa bàn tỉnh không đủ để cho vay, các ngân hàng phải vay thêm vốn của Trung ương. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ sẵn sàng tái cấp vốn cho các Ngân hàng thương mại để có nguồn vốn cho vay. Chính vì vậy, ngành ngân hàng Khánh Hòa vẫn sẽ cung ứng đủ vốn để đầu tư phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Về phía mình, các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn sẽ tiếp tục đa dạng hóa hình thức huy động vốn như phát hành trái phiếu, ưu đãi lãi suất cho phương thức gởi tiền tiết kiệm online; tăng cường tỷ trọng huy động vốn từ dân cư để bảo đảm duy trì nguồn vốn ổn định, tích cực huy động các nguồn vốn trung và dài hạn để bảo đảm cân đối cơ cấu giữa huy động và cho vay. 
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa