Năm nay 86 tuổi, sức đã yếu, mắt đã mờ nhưng bà Y Chrưt ở làng Plei Tơ Nghia, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum vẫn thường xuyên truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ con cháu
Với tâm nguyện con cháu sẽ tiếp nối, gìn giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Ba Na.
Sinh ra và lớn lên ở làng Plei Tơ Nghia, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum, từ nhỏ bà Y Chrưt đã theo mẹ học nghề dệt thổ cẩm để phục vụ cho cuộc sống gia đình. Bà Y Chrưt cho biết, lúc bấy giờ con gái trong làng ai ai cũng biết dệt thổ cẩm, vì đó chính là thước đo về sự khéo léo của người con gái.
Bà Y Chrưt – Làng Plei Tơ Nghia, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum : Lúc đó con gái trong làng ai cũng học và biết dệt thổ cẩm hết. Vì vậy bố mẹ dạy cho tôi, tôi phải học. Thực sự tôi rất yêu thích nghề dệt này nên tôi học rất nhanh và biết dệt những tấm thổ cẩm để làm quần áo phục vụ cho cuộc sống gia đình.
Tiếp nối truyền thống gia đình, bà luôn dành thời gian truyền dạy lại nghề dệt thổ cẩm cho 08 người con gái của bà. Bởi theo bà, phải dạy lại để các con biết được nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Ba Na, nếu như để nghề dệt mai một đi thì có lỗi với các thế hệ đi trước.
Bà Y Chrưt – Làng Plei Tơ Nghia, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum: Nghề dệt truyền thống của người Bana đã có từ lâu đời rồi nên mình phải truyền dạy lại cho con cháu, vì đó là văn hóa của dân tộc. Khi dạy tôi phải chỉ từng ly, từng tí để các con, các cháu hiểu hết được ý nghĩa của những hoa văn và cách làm.
Đến nay, cả 08 người con gái của bà Y Chrưt đều biết dệt thổ cẩm. Họ đều cảm thấy tự hào và cố gắng gìn giữ nghề dệt truyền thống của dân tộc mình.
Là thế hệ thứ 3 trong gia đình, em Y Vân, năm nay 16 tuổi là cháu ngoại của bà đã dệt thành thạo các tấm thổ cẩm với nhiều hoa văn khác nhau. Ngoài việc dệt thành thạo, em còn có thể may quần, áo để phục vụ gia đình và bán cho bà con trong làng
Trong xu thế hội nhập và phát triển, nhiều nghề truyền thống của đồng bào dân tộc DTTS đang dần bị mai một. Thế nhưng bằng tình yêu và trách nhiệm với nghề dệt truyền thống, hiện tại cả gia đình 3 thế hệ của bà Y Chrưt với gần 20 người đều biết dệt thổ cẩm. Đó là một điều rất trân trọng và đáng quý.
Bà Y Chrưt – Làng Plei Tơ Nghia, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum: Tôi mong muốn thế hệ trẻ bây giờ phải biết yêu thích nghề dệt truyền thống, vì thế hệ những người già như chúng tôi biết nghề dệt bây giờ còn ít. Tôi sợ nó mai một đi, nên tôi luôn nhắc nhở con cháu phải giữ gìn và tiếp tục truyền dạy lại cho thế hệ mai sau.
Mong muốn lớn nhất của bà Y Chrưt là nghề dệt thổ cẩm truyền thống này sẽ tiếp tục được các thế hệ con cháu mai sau tiếp nối và gìn giữ để phát huy giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào DTTS ở Kon Tum nói riêng và Tây nguyên nói chung./.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng