Tin tức

“Sale online vùng cao” với ước mơ thoát nghèo

Thứ bảy, 15/08/2020 - 20:01

Hình ảnh những người giao hàng, hay còn được gọi là shipper, tấp nập xếp hàng để giao đi khắp nơi thường gắn với những cửa hàng nổi tiếng tại các thành phố lớn.

 Thế nhưng ở 1 huyện vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của tỉnh Bình Phước, chúng ta lại dễ dàng bắt gặp hình ảnh tương tự.

Tất cả là nhờ vào 1 sáng kiến mang tính công nghệ và được thực hiện bởi những người phụ nữ địa phương. 
Đây là một buổi bán hàng trực tiếp trên mạng internet của chị Đỗ Thị Mừng, ngụ thôn 2, xã Đường 10, một xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Bù Đăng. Sản phẩm chị rao bán trên mạng đó là hạt điều, một đặc sản của tỉnh Bình Phước.

Chị Đỗ Thị Mừng, ngụ thôn 2 xã Đường 10, huyện Bù Đăng, Bình Phước nói : “nhờ biết đến internet, nhờ bán hàng online và nhờ sản phẩm hạt điều Bình Phước mà cuộc sống của chị em trong hội đều khá lên. Thu nhập một ngày, chị em nào làm ít cũng được 300 – 400 ngàn một ngày”.
Để nhân rộng mô hình, các chị em ở đây, người biết thì chỉ cho người chưa biết, người đi trước huấn luyện cho người đi sau. Dần dà, họ trở thành những “doanh nhân bất đắc dĩ”, vừa biết bán hàng online bằng cách quảng bá nông sản địa phương, vừa có công ăn việc làm và thu nhập ổn định.

Chị Nguyễn Thị Lan, ngụ thôn 5 xã Đường 10, huyện Bù Đăng, Bình Phước cho hay : “chị em người bán trước thì hướng dẫn cho người bán sau. Mỗi ngày trung bình em bán được khoảng 100 đến 200 đơn hàng. Với số lượng điều bán ra mỗi cá nhân bán koảng 2 – 3 tạ. Còn khi số chị em ngồi 1 chỗ chung nhau thì mỗi ngày có thể bán hơn 1 tấn hạt điều”
Đường 10 là xã duy nhất của huyện Bù Đăng trong diện xã đặc biệt khó khăn, hơn 70% dân số toàn xã là đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống người dân phần lớn khó khăn, công việc chủ yếu là làm nông, trồng điều, tiêu, cao su. Sau khi mô hình bán hàng online xuất hiện, hiện đã có 4 trên 6 chi hội phụ nữ trong xã tham gia, với hơn 300 hội viên. Các mặt hàng được quảng bá là hàng hóa tiêu biểu của địa phương như hạt điều, hạt tiêu, thổ cẩm.

Chị Vũ Thị Lê - Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Đường 10, huyện Bù Đăng, Bình Phước cho biết : “Với phương thức bán hàng online này, khoảng 1 năm trở lại đây thu nhập trung bình của chị em phụ nữ trong xã Đường 10 dao động từ 10 – 20 triệu đồng/người/tháng. Đối với một số chị em “có duyên” bán hàng, thường bán với số lượng lớn mỗi ngày, thì thu nhập mỗi tháng từ 30 – 40 triệu đồng. Qua đó hạt điều Bình Phước cũng đã được người dân cả nước biết đến”
Ngoài nhóm bán hàng trực tiếp, những người lớn tuổi không có khả năng tiếp xúc với công nghệ, tham gia công việc phụ đóng gói, giao hàng. Lực lượng thanh niên trong xã thì được phân công làm việc cho các đơn vị giao nhận hàng. Cũng nhờ mô hình đặc biệt này, nhiều công ty, đại lý vận chuyển đã mở riêng chi nhánh tại xã Đường 10.

Chị Vũ Thị Lê - Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Đường 10, huyện Bù Đăng, Bình Phước cho biết thêm:  “Nếu như một năm trước trên địa bàn chỉ có bưu điện và công ty Viettel Post nhận vận chuyển, giao hàng, thì hiện nay có thêm 6 công ty giao hàng, vận chuyển hàng hoá mở chi nhánh tại xã Đường 10 để vận chuyện các đơn hàng nông sản bán online đến các vùng miền trên khắp cả nước”

Hàng ngày tại xã vùng sâu này, hình ảnh đội ngũ những “shipper” tấp nập xếp những đơn hàng đặc sản của đồng bào dân tộc thiểu số giao cho khách hàng trên mọi miền Tổ quốc không khỏi gợi nhắc đến không khí tại những cửa hàng nổi tiếng ở cách thành phố lớn. Còn với người dân Đường 10, họ đang nghĩ về một tương lai gần, thoát nghèo, vươn lên làm giàu dựa trên chính nhửng sản phẩm của quê hương.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa