Thời gian qua, chủ trương được 'học kép' (vừa học văn hóa vừa học nghề hệ 9+3) cùng với việc các trường làm tốt công tác hướng nghiệp đã giúp học sinh THCS nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, có định hướng tương lai rõ ràng, mạnh dạn theo đuổi đam mê
Điều này được thay đổi rõ nét qua công tác tuyển sinh hệ song bằng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm học 2020 – 2021.
Tấp nập và đông đúc – đây là không khí trong ngày nhập học hệ song bằng năm học 2020 – 2021 tại Trường Cao đẳng Xây dựng và Công trình đô thị. Chỉ cách đây vài năm, lựa chọn học nghề chưa bao giờ là ưu tiên của các bậc phụ huynh và học sinh thì nay, rất nhiều học sinh giỏi đã rẽ lối học nghề hay các bạn đủ điểm vào lớp 10 đã từ chối chọn học ở bậc THPT.
Giá trị của kỹ năng nghề đang dần được khẳng định, bằng chứng là rất nhiều phụ huynh như chị Lê Hương Lan đã tự tin lựa chọn cho con trai theo học hệ song bằng; với mong muốn con có thể vững tay nghề, sáng tương lai.
Ngay khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh tốt nghiệp lớp 9 có thể thẳng tiếp lên trình độ trung cấp đã mở ra nhiều cơ hội học tập cho các em. Hệ song bằng này giúp bạn trẻ vừa học nghề vừa học văn hóa, rút ngắn thời gian, sớm học nghề yêu thích lại tiết kiệm chi phí cho gia đình. Đặc biệt,, các ngành học không nặng về lý thuyết, chú trọng thực hành để các bạn ra trường có thể làm việc ngay, cơ hội nghề nghiệp rộng mở..
Theo luật giáo dục nghề nghiệp đã có hiệu lực, học sinh THCS học thẳng tiếp lên các trường trung cấp được thụ hưởng chính sách học tập của nhà nước, được hỗ trợ 100% học phí học nghề. Điều này càng chứng tỏ sự ủng hộ và khuyến khích của Chính phủ trong định hướng xây dựng nguồn nhân lực có kỹ năng tay nghề.
Trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế mạnh mẽ, đòi hỏi người lao động phải vừa có trình độ tay nghề vừa phải có trình độ văn hóa. Do đó, mô hình đào tạo song bằng hay còn gọi là mô hình 9+3 này mới hứa hẹn mở ra nhiều triển vọng nghề nghiệp đối với người học.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng