Tin tức

Nhận diện đầu tư công Lâm Đồng

Thứ năm, 03/09/2020 - 07:10

(Lamdongtv.vn) - Đến thời điểm này, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện giải ngân vốn trên 1.718 tỷ đồng, trong tổng vốn đầu tư công được giao năm 2020 và năm 2019 chuyển sang hơn 5.000 tỷ đồng, đạt gần 40% kế hoạch

Cùng với các địa phương trên cả nước, hai đợt đại dịch COVID-19 từ đầu năm đến nay đã tác động khá lớn đến phát triển kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt, sự ảnh hưởng này cũng tạo nên những khó khăn nhất định trong giải ngân vốn đầu tư công.Do vậy, mục tiêu đặ ra vào cuối năm phải hoàn thành 100% tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Lâm Đồng là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Đến thời điểm này, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện giải ngân vốn trên 1.718 tỷ đồng, trong tổng vốn đầu tư công được giao năm 2020 và năm 2019 chuyển sang hơn 5.000 tỷ đồng, đạt gần 40% kế hoạch. Riêng giải ngân vốn đầu tư công của năm 2020 trên 1.391 tỷ đồng, đạt 38,4%, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019. Sở Kế hoạch Đầu tư, nhận định đây là tỷ lệ giải ngân khá thấp so với thực tế; điều này đặt ra những giải pháp căn cơ của mục tiêu hoàn thành việc giải ngân vốn trong năm nay.
Công trình Sân vận động Đà Lạt thuộc Dự án Khu văn hóa thể thao tỉnh Lâm Đồng. Năm 2020, tổng vốn đầu tư công giao cho dự án trên 241 tỷ đồng, trong đó vốn năm 2019 chuyển sang hơn 78 tỷ đồng. Đến hết tháng 7/2020, tỷ lệ tạm ứng vốn thực hiện trên 81 tỷ đồng. Tuy nhiên, khối lượng công trình mới đạt khoảng 40%, tương ứng với tỷ lệ giải ngân. Việc giải ngân chậm buộc dự án phải chuyển kinh phí trở lại để chủ đầu tư giao cho công trình khác.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến thời điểm này có 8 đơn vị thuộc khối sở, ban, ngành của tỉnh Lâm Đồng tỷ lệ giải ngân đạt từ 37,6% đến 100% cao hơn mức bình quân toàn tỉnh; 17 đơn vị tỷ lệ giải ngân mới đạt từ 5,3% đến 34%. Khối địa phương có 8 huyện, thành phố tỷ lệ giải ngân đạt từ 36,2% đến 57,4% cao hơn mức bình quân toàn tỉnh. 4 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt thấp, như: Đức Trọng 30,3%; Lạc Dương 25,7%; Cát Tiên 22,9% và cuối cùng là huyện Đạ Tẻh mới đạt 14,7%. Đồng thời các dự án được bố trí vốn lớn hơn 30 tỷ đồng nhưng tỷ lệ giải ngân thấp, gồm: Đường vành đai Tp Đà Lạt; Dự án nâng cấp đường ĐT 724 và xây dựng 3 cây cầu, thông tuyến đường ĐT 721; Dự án Cơ sở hạ tầng khu thể thao, Sân vận động Tp Đà Lạt - Trung tâm VHTT tỉnh; và các Dự án liên quan đến vệ sinh và nước sạch nông thôn, sữa chữa, nâng cấp hồ đập, chuyển đổi nông nghiệp bền vững và cải thiện cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp…
Ngoài ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và thực hiện một số quy định của Chính phủ về đầu tư công, theo cơ quan chuyên môn một số chủ đầu tư chưa nêu cao trách nhiệm, chưa tích cực đôn đốc nhà thầu tư vấn, năng lực một số đơn vị tư vấn còn hạn chế; việc triển khai công trình của các nhà thầu thi công còn chậm, dẫn đến khối lượng đạt thấp… Mặt khác, nhiều công trình dồn khối lượng không tiến hành nghiệm thu thanh quyết toán…
Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương cũng như hội nghị Tỉnh ủy - UBND tỉnh Lâm Đồng về đầu tư công đã yêu cầu các ngành, địa phương trong tỉnh phải thực hiện giải ngân vốn đầu tư công vào cuối năm 2020. Để về đích đúng mục tiêu, những giải pháp cấp bách, đồng bộ, nhất là vai trò của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị và chính quyền các địa phương cần là cần thiết.
6 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng kinh tế của Lâm Đồng chỉ đạt 0,51%, trong đó ngành công nghiệp không duy trì được tăng trưởng, dịch vụ giảm sâu so với cùng kỳ… Chính vì vậy, hiệu quả của việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ tạo động lực cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho Lâm Đồng trong bối cảnh hiên nay./.

Mạnh Thành

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa