(Lamdongtv.vn) - 27 năm gắn bó với nghề, bác sĩ K’Đỉu trải qua không ít những khó khăn, bởi bệnh nhân phong không chỉ bị tàn tật, biến dạng về thể xác do di chứng phong để lại mà họ còn mang trong mình sự tự ti, mặc cảm với gia đình và cộng đồng xã hội
Là con trai của một gia đình sinh sống tại làng phong Di Linh, nay là khu điều trị phong – thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng, ngay từ những ngày ấu thơ, bác sĩ K'Đỉu đã được chứng kiến những cơn đau, những mất mát một phần cơ thể do bệnh phong đem lại cho những người ruột thịt của anh và những người bệnh khác.Điều đó đã thôi thúc cậu quyết tâm học thật tốt để sau này trở thành thầy thuốc gắn bó với làng phong này, giúp những con người bất hạnh vượt qua đau đớn về thể xác, tổn thương về tinh thần.
Gần gũi, tận tâm, ấm áp… đó là cảm nhận của các bệnh nhân về bác sĩ K’Đỉu, Phó khu điều trị phong Di Linh. Hơn 30 bệnh nhân phong ở khu bệnh xá được bác sĩ nhớ mặt, đọc tên, và với họ, bác sĩ Đỉu như người thân trong gia đình để họ chia sẻ nỗi đau bệnh tật và cả những tổn thương về tinh thần do di chứng bệnh phong để lại.
Ông Mao Văn Chức - Bệnh nhân Khu điều trị phong Di Linh nói : Mỗi ngày gặp bác sỹ Đỉu thăm khám không chỉ để đảm bảo sức khỏe mà với tôi còn là để chia sẻ,… bất cứ lúc nào cần bác sỹ cũng có mặt,…
27 năm gắn bó với nghề, bác sĩ K’Đỉu trải qua không ít những khó khăn, bởi bệnh nhân phong không chỉ bị tàn tật, biến dạng về thể xác do di chứng phong để lại mà họ còn mang trong mình sự tự ti, mặc cảm với gia đình và cộng đồng xã hội. Vậy nên, suốt những năm tháng gắn bó với Khu điều trị phong Di Linh, bác sĩ K’Đỉu đã mang hết kinh nghiệm của người thầy thuốc để giúp họ điều trị bệnh, và còn mang cả trái tim đầy nhiệt huyết, yêu thương để xoa dịu nỗi đau về tinh thần, giúp bệnh nhân phong hòa nhập cộng đồng.
Phát biểu của Bác sĩ K’ Đỉu - Phó Khu điều trị phong Di Linh cho biết : Từng chứng kiến người thân bị xa lánh, kỳ thị khi mắc bệnh phong, tôi quyết tâm trở thành bác sĩ và đến với Khu điều trị phong để giúp đỡ bệnh nhân,…. mỗi lần đi đâu xa khỏi làng là "thấy nhớ lắm" vì ở nhà ngày nào là có bệnh nhân suốt ngày gặp nhau để hỏi thăm bệnh rồi chia sẻ, động viên họ vui sống... chính sự động viên của vợ cùng với tình yêu thương những người bệnh ở làng phong đã như ngọn lửa cháy mãi trong tôi,…
Ở cương vị là một bác sĩ, cũng là Phó khu điều trị phong Di Linh, bác sĩ K’Đỉu luôn nổ lực hoàn thành nhiệm vụ của một thầy thuốc, vừa điều hành hoạt động của khu điều trị. Ở đây, hiện có 86 hộ, khoảng 210 người. Ngoài những người già đã mất khả năng lao động, thì những người có mức độ tàn tật ít hơn, vẫn tham gia canh tác trồng trọt, cắt tỉa, chăm sóc, trồng cà-phê, trồng rau… để có thêm thu nhập. Ký ức đau thương mang tên “bệnh hủi” đã không còn. Giờ đây những bệnh nhân phong ở Di Linh đã có mái ấm của riêng mình, có công việc tự nuôi sống bản thân, gia đình và nuôi nấng, dạy dỗ con cái.
Phát biểu của Bác sĩ Lê Thị Kim Thùy - Phụ trách Khu điều trị phong Di Linh cho hay : Không chỉ giỏi về chuyên môn, tâm lý bệnh nhân mà điều lớn nhất mà bác sỹ K’Đỉu đang làm, có lẽ đó là sự truyền lửa cho các thế hệ trẻ đang muốn găn bó, phục vụ ở khu điều trị phong này,…
“Cái gì khó, người ta không muốn làm thì mình làm, miễn sao là có ích cho cộng đồng xã hội”, tâm niệm ấy đã dẫn dắt K’Đỉu đến với nghề bác sĩ và giúp ông gắn bó với bệnh nhân phong qua nhiều thập kỷ. Những việc làm và sự tận tâm của ông không chỉ được các bệnh nhân phong yêu mến, quý trọng mà còn được ghi nhận, tôn vinh trong đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng lần thứ VI năm 2020. Đó cũng chính là phần thưởng quý giá để bác sĩ K’Đỉu thêm nhiệt tâm với nghề bác sĩ, một nghề gian khó nhưng cao quý mà ông đã và đang dành trọn cuộc đời mình để cống hiến./.
Phương Thảo