Tin tức

Đánh giá kết quả thực hiện chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH

Thứ sáu, 25/09/2020 - 09:15

(Lamdongtv.vn) - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Bùi Quang Vinh, cùng Đoàn công tác đã làm việc với Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Lâm Đồng

Buổi làm việc về tình hình kết quả thực hiện chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Về phía địa phương có ông Nguyễn Văn Yên, Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện; HĐQT cùng các thành viên Ban đại diện Hội đồng Quản trị, Ngân hàng CSXH tỉnh Lâm Đồng đã làm việc với đoàn. 
Thực hiện chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH, 10 năm qua Ban Đại diện Hội đồng Quản trị, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã kiện toàn hệ thống Ban đại diện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xây dựng hoàn thiện hệ thống bộ máy điều hành tác nghiệp của chi nhánh. Đồng thời ký kết với tổ chức đoàn thể nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm vay vốn theo địa bàn thôn, buôn, tổ dân phố để chuyển tải nguồn vốn tín dụng đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, gắn kết mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương để triển khai các chương trình tín dụng chính sách, các sản phẩm huy động vốn, các dịch vụ thanh toán, đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn và dịch vụ ngân hàng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. 10 năm qua, chi nhánh đã chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương, tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác triển khai 13 chương trình cho vay, với doanh số đạt trên 7.600 tỷ đồng, trên 374.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Hiện nay, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt trên 3.600 tỷ đồng, với trên 95.000 lượt hộ vay vốn còn dư nợ.
Qua đánh giá các chương trình tín dụng chính sách xã hội được bổ sung qua các năm đa dạng về đối tượng thụ hưởng, tác động tích cực đến đời sống của người dân, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Song song đó, thông qua tổ chức nhận ủy thác đã phát huy lợi thế, huy động được cả hệ thống chính trị cùng tham gia, các đối tượng vay vốn được trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong đời sống và sản xuất, tạo nên sức mạnh trong cộng đồng dân cư. Từ nguồn vốn này đã giúp trên 21.700 hộ thoát nghèo, trên 18.800 lao động được giải quyết việc làm, 72.600 lượt học sinh vay vốn để trang trải chi phí học tập và nhiều khoản vay khác phục vụ đời sống, sản xuất và sinh hoạt, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương. Tại buổi làm việc, đại diện các Sở, Ban, Ngành của tỉnh và hội đoàn thể nhận ủy thác thông qua NHCSXH đã làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách xử lý rủi ro trong các khoản vay, đa dạng nguồn vốn tín dụng ưu đãi, tăng mức vay đối với các gói tín dụng cho vay thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, tăng thời gian vay và có những cơ chế, chính sách ưu đãi về lãi suất giúp người nghèo và đối tượng chính sách yên tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo. 
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Trong những năm qua nguồn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không chỉ giúp các hộ nghèo, hộ chính sách có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống mà còn tạo mối liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau trong phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Chính vì vậy để thực hiện tốt chiến lược phát triển Ngân hàng chính sách trong thời gian tới, Ngân hành chính sách xã hội Việt Nam cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, xác định đối tượng cho vay, mô hình quản lý, hoạt động cụ thể để sử dụng vốn có hiệu quả và an toàn. Đồng thời xác định phương thức hoạt động, kiểm tra giám sát, huy động tổng lực nguồn vốn, nghiên cứu xác định cơ chế rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn.  
Ông Bùi Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam đánh giá cao hiệu quả các chương trình, nguồn vốn chính sách tại tỉnh Lâm Đồng, nhất là các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay học sinh sinh viên và một số chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường.   
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam còn đề nghị để thực hiện tốt nguồn vốn tín dụng chính sách tại Lâm Đồng, địa phương cần tiếp tục bám sát các chương trình, kế hoạch cho vay, tăng cường kiểm tra, giám sát đúng đối tượng thụ hưởng, đúng mục đích và đạt hiệu quả cao. Ngoài ra đối với những ý kiến góp ý của địa phương, Đoàn sẽ tiếp thu, tổng hợp làm cơ sở thực tiễn trong hoạch định lộ trình, chiến lược phát triển Ngân hàng chính sách trong thời gian tới./.
Hoàng Ái

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa OK