Sau 3 năm triển khai thực hiện, vừa qua Sở Văn hóa thể thao Hà Nội đã trình UBND thành phố phê duyệt kết quả thực hiện “Đề án Tổng kiểm kê và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội”
Sau 3 năm triển khai thực hiện, vừa qua Sở Văn hóa thể thao Hà Nội đã trình UBND thành phố phê duyệt kết quả thực hiện “Đề án Tổng kiểm kê và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội”. Theo đó 276 di sản đã được khoanh vùng ưu tiên bảo vệ, trong đó 6 di sản được Sở trình đề nghị đưa vào di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Làng Đa Chất, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, ngôi làng cách thủ đô chưa đầy 30km, hiện còn lưu giữa một loại hình di sản có thể xem là độc nhất vô nhị, đó là tiếng Lóng. Tương truyền, làng gắn với nghề làm cối xay lúa nổi tiếng, vì vậy để giữ bí quyết riêng của nghề đã sáng tạo ra tiếng lóng để trao đổi với nhau.
Ví dụ, người ta sử dụng những từ ngữ khác để thay thế cho những từ ngữ thông dụng như: Bệt (nhà), mỗ (người), đạng (gia cầm), nhào (thịt), xảo (đàn ông), nhát (đàn bà)… Hay tiếng lóng còn được sử dụng để nói nhanh, nói gọn như: Xảo tớp hách (có thằng ăn trộm đấy), trẩm chổi thít (đừng, không được ăn miếng đó, người ta đánh giá đấy)…
Đó là cách để người ta nói chuyện với nhau khiến người khác không thể biết được họ nói gì.
Trải qua thời gian, giờ đây, số lượng người biết thứ ngôn ngữ này chỉ còn đếm chưa đầy một bàn tay, điều này đồng nghĩa với việc một di sản được sáng tạo nên trong quá trình lao động, một tri thức dân gian của cộng đồng đang có nguy cơ đứt đoạn. Bên cạnh tiếng Lóng Đa Chất, 5 di sản phi vật thể có mặt trong danh sách lập hồ sơ trở thành di sản quốc gia đợt này có: Hát Trống quân (ở Thường Tín, Phúc Thọ và Phú Xuyên), Bơi chải và Hội đình Lưu Xá (huyện Chương Mỹ), Hát và Múa Ải Lao (quận Long Biên), Nghề rèn Đa Sỹ (quận Hà Đông) và nghề chữa bệnh bằng thuốc nam của người Dao (huyện Ba Vì) đây đều là những di sản phi vật thể quý báu hiện còn lưu giữ được của Hà Nội
Để có thể khoanh vùng 276 di sản cần cần được ưu tiên bảo vệ và 6 di sản đề nghị lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Sở Văn hóa thể thao Hà Nội cùng với Trung tâm Phát huy giá trị di sản văn hóa đã thực hiện rất nhiều cuộc điền dã cũng như các lớp tập huấn đào tạo tại địa phương nhằm thay đổi tư duy và nhận thực của người dân, giúp họ hiểu được giá trị vô giá của di sản nơi địa phương nắm giữ. Văn hóa phi vật thể vốn là di sản có tính chất khá phức tạp, thuộc về tri thức của dân gian, do dân gian tạo ra và nắm giữ theo hình thức truyền khẩu, nếu không có hướng gìn giữ và bảo tồn bài bản sẽ rất dễ bị đứt đoạn. Bởi vậy, một trong những việc làm cụ thể mà đề án đang thực hiện đó là tư liệu hóa số di sản phi vật thể này bằng nhiều hình thức./.
Truyền hình TTXVN