(Lamdongtv.vn) - Với mức tăng trưởng bình quân trên 9,5%/năm, tỉnh Lâm Đồng được xem là địa phương có tốc độ tăng trưởng Ngành công nghiệp cao so với mặt bằng chung của cả nước
Để đạt được kết quả này, trong nhiệm kỳ qua, ngoài việc đa dạng các loại hình, sản xuất công nghiệp, tỉnh Lâm Đồng luôn chú trọng đến một số Ngành nghề sản xuất mới, có lợi thế cạnh tranh như Công nghiệp chế biến rau, củ, quả, chế biến sợi lông cừu, Nhôm, Bôxit và sản xuất điện năng, tạo sự đa dạng, phong phú trong sản phẩm công nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam sản xuất sản phẩm sợi Lông Cừu xuất khẩu, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Công ty Sợi lông Cừu Đà Lạt đã xuất sang thị trường Nhật Bản và các nước Châu Âu trên 1.000 tấn lông cừu và các sản phẩm làm từ lông cừu các loại, giải quyết việc làm ổn định cho trên 200 lao động, đóng góp hàng tỷ đồng cho nguồn ngân sách nhà nước và địa phương.
Sợi lông cừu là một trong những sản phẩm mới trong chuyển dịch cơ cấu phát triển của Ngành công nghiệp tỉnh Lâm Đồng. Thống kê toàn tỉnh hiện có trên 9.400 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 9.200 cơ sở sở xuất công nghiệp, với trên 9.100 cơ sở kinh tế tư nhân, số còn lại là cơ sở kinh tế nhà nước và cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Các sản phẩm công nghiệp Lâm Đồng khá phong phú, đa dạng, tập trung vào các nhóm Ngành sản xuất mũi nhọn như chế biến nông sản, may mặc, khai khoáng, khai thác vật liệu xây dựng và phân phối điện năng. Ngoài việc cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh, hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp đã giúp Lâm Đồng xuất khẩu hàng hóa đến hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, với kim ngạch đạt trên 720 triệu USD.
Giai đoạn 2015-2020 là giai đoạn thành công của Ngành công nghiệp tỉnh Lâm Đồng khi chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân tăng 9,54%/năm. Trong đó công nghiệp khai khoáng tăng 3,89%/năm, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,8%/năm; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,51%/năm, cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải tăng 8,39%/năm. Với giá trị công nghiệp năm 2020 ước đạt trên 17.000 tỷ đồng, tăng 1,58 lần so với năm 2015. Bên cạnh các sản phẩm công nghiệp có truyền thống trên một số lĩnh vực có thế mạnh về sản xuất rau hoa, cà phê, chè, Bô xít, Thủy điện thì các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, doanh nghiệp khởi nghiệp cũng đã có nhiều đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Ngành công nghiệp địa phương.
Với mục tiêu ưu tiên phát triển các Ngành công nghiệp có chọn lọc, có lợi thế cạnh tranh, thân thiện với môi trường; tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông sản, vật liệu mới, phụ trợ cho sản xuất. Đồng thời tiếp tục phát triển các Ngành công nghiệp lợi thế, công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp và chế biến cũng như hoàn thiện quy hoạch, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng. Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp từ 9,5 - 11,0%/năm, đến năm 2025, khu vực công nghiệp chiếm tỷ lệ 22 - 23,5% trong biểu đồ cơ cấu kinh tế. Rõ ràng, cùng với những cơ chế, chính sách của địa phương, nhất là sự nổ lực của cộng đồng các doanh nghiệp sẽ là cơ sở để Lâm Đồng thực hiện đạt và vượt mức các chi tiêu, nhiệm vụ được giao, tạo hành lang quan trọng thúc đẩy Ngành công nghiệp tiếp tục tăng tốc để phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương./.
Hoàng Ái