Tin tức

Để đồng bào luôn “No cái bụng - ấm cái mình”

Thứ năm, 08/10/2020 - 08:11

(Lamdongtv.vn) - Từ các chính sách đúng đắn và tổ chức thực hiện có hiệu quả, tình hình kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, đời sống sản xuất của bà con dân tộc được nâng lên.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác dân tộc nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng; đặc biệt, với Nghị quyết số 14 về “Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030”.Cùng với nhiều chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh về công tác dân tộc nên tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS phát triển khá toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố. Đây cũng là dấu ấn của nhiệm kỳ 2015-2020 mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh đạt được. 

Hơn 30 năm sinh sống ở địa bàn khó khăn của huyện Đam Rông, gia đình chị Ka Poh thôn 2 xã Liêng Srônh hiện đang sống trong một căn nhà xây kiên cố, một cuộc sống mới và niềm tin mới. Đây là kết quả của quá trình vươn lên thoát nghèo của gia đình chị Poh cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Chị Ka Poh cho biết: “Nhờ có Đảng, Nhà nước bà con giờ có cuộc sống, no ấm, hạnh phúc, no cái bụng-ấm cái mình”.
Là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, nhờ sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của các cấp chính quyền từ TW đến tỉnh cùng những nỗ lực của chính quyền và nhân dân, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo ở Đam Rông giảm chỉ còn 7 %. Hơn hết, người dân địa phương đã ý thức, trách nhiệm tự thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại của Nhà nước. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo hướng hàng hóa được đẩy mạnh tạo bước chuyển mới trên lĩnh vực giảm nghèo có tính bền vững. 
Trong những năm qua bằng nhiều nguồn lực, Lâm Đồng đã đầu tư trên 1.000 tỷ đồng để phát triển toàn diện vùng DTTS thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135; Chương trình 30a, Chính sách người có uy tín, Chính sách đối với học sinh sinh viên…Từ các chính sách đúng đắn và tổ chức thực hiện có hiệu quả, tình hình kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, đời sống sản xuất của bà con dân tộc được nâng lên, bộ mặt nông thôn vùng dân tộc có nhiều đổi mới, an ninh chính trị được giữ vững, tỷ lệ hộ ĐBDTTS nghèo giảm nhanh từ 14,7% năm 2016 xuống còn dưới 5,58%. 
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, Ngành Lao động thương binh và Xã hội tỉnh, chính quyền các địa phương cũng đã tập trung các giải pháp hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Trong đó tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng của cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo; Các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể trong xây dựng kế hoạch; tổ chức triển khai thực hiện; công khai các chính sách; giám sát, đánh giá hiệu quả, kết quả công tác giảm nghèo từ thôn xã đến huyện, tỉnh nhằm tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị về chủ trương thực hiện giảm nghèo, đẩy mạnh xã hội hóa và động viên người nghèo tự lực vươn lên; Lồng ghép hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới với chương trình giảm nghèo bền vững nhằm tạo việc làm, thu nhập cho người nghèo; Tiếp tục quan tâm, theo dõi, hỗ trợ hộ vừa thoát nghèo, đồng bào dân tộc thông qua ưu tiên dạy nghề, giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Có thể thấy, nhờ đổi mới, sáng tạo và cách làm hiệu quả, song song với đầu tư phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực, công tác dân tộc nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Nhưng quan trọng hơn hết là sự nỗ lực phấn đấu, vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại của chính người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay./.
Quang Hoạt

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa