Tin tức

Ngày làm việc thứ 3 kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIV của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng

Thứ sáu, 23/10/2020 - 06:31

(Lamdongtv.vn) -Các ĐBQH đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Thỏa thuận quốc tế

Tại điểm cầu Lâm Đồng có Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng; Ông Nguyễn Tạo, Phó trưởng đoàn chuyên trách; Ông K’Mak, UVBTV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị đại biểu Quốc hội Lâm Đồng, các sở ngành liên quan đã tham dự. 
Trong phiên làm việc sáng 22/10, các vị đại biểu Quốc hội đã nghe ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tại phiên thảo luận có 23 đại biểu đóng góp, 9 đại biểu tham gia tranh luận xoay quanh các vấn đề trong dự thảo Luật đã được chỉnh lý, tiếp thu gồm: nguyên tắc xử phạt; thẩm quyền quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; hành vi bị nghiêm cấm; bổ sung hình thức xử phạt; mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực; thẩm quyền xử phạt; lập biên bản vi phạm; áp dụng biện pháp xử lý hành chính; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý hành chính... Đặc biệt là việc xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy; việc xử phạt đối với đối tượng vi phạm hành chính chưa thành niên; xem xét tạm hoãn xử phạt hành chính những cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thất nghiệp hoặc không có thu nhập ổn định; cơ quan xử lý trường hợp vi phạm hành chính...
Tại điểm cầu Lâm Đồng, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, tại khoản 7, điều 90, những người quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi quy định tại khoản 5 Điều này không có nơi cư trú ổn định thì được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn”. Quy định như vậy gây bất ổn, vì các đối tượng này đều dưới 18 tuổi nhưng là trẻ em cá biệt, có những vi phạm nhất định về trật tự an toàn xã hội nên hoàn toàn khác biệt với trẻ em trong các cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em.
Trong phiên họp làm việc buổi chiều, Quốc hội đã nghe ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Dự án Luật này gồm 7 chương, 52 điều đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 46 quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế. Các ĐBQH đã tiến hành thảo luận các nội dung liên quan như khái niệm thỏa thuận quốc tế; bên ký kết Việt Nam; ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế; các lĩnh vực không ký kết thỏa thuận quốc tế và các hành vi bị nghiêm cấm; cơ quan quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế; ký kết thỏa thuận quốc tế; hướng dẫn công tác ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế; chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế; hiệu lực thi hành Luật; quy định chuyển tiếp.
Trong ngày làm việc 23/10, trong buổi sáng, Quốc hội sẽ nghe Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút (HIV/AIDS); buổi chiều sẽ nghe Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của hai dự thảo Luật này./.
Hoàng Phúc

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa OK TT