Tin tức

Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham dự trực tuyến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Thứ sáu, 23/10/2020 - 07:25

(Lamdongtv.vn) - Tiếp tục ngày làm việc thứ 4 của kỳ họp thứ 10, hôm 23/10, các ĐBQH đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút (HIV/AIDS) và Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

Tại điểm cầu Lâm Đồng có ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng; ông Nguyễn Tạo, Phó trưởng đoàn chuyên trách; cùng các vị đại biểu Quốc hội Lâm Đồng, các sở ngành liên quan đã tham dự. 
Trong phiên làm việc sáng 23/10, các vị đại biểu Quốc hội đã nghe quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở người (HIV/AIDS). Các báo cáo cho thấy, hiện nay, đã có 469 cơ sở điều trị HIV/AIDS, trong đó có hơn 300 cơ sở là ở tuyến huyện kể cả ở những huyện vùng sâu vùng xa và cả các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Việc mở rộng điều trị ARV đã giảm đáng kể số ca tử vong.
Nếu như năm 2009, số ca nhiễm HIV tử vong hàng năm là 7000-8000 ca, thì đến nay là 1000-2000 ca mỗi năm. Trong 20 năm điều trị HIV/AIDS, một trong những thành công lớn trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam chính là 99% các cơ sở điều trị đã được kiện toàn và đang cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS từ quỹ bảo hiểm y tế. Trong số 250.000 người nhiễm HIV hiện đang sống, khoảng 140.000 người được điều trị bằng thuốc ARV.
Việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật này nhằm thể chế quan điểm, chủ trương Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có mục tiêu "cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS" vào năm 2030 và giải pháp "tăng cường nguồn lực trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS…".  Tại phiên thảo luận các đại biểu đóng góp và tham gia tranh luận xoay quanh các vấn đề như việc tăng cường tiếp cận thông tin người nhiễm HIV; can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV; kinh phí xét nghiệm HIV tự nguyện để dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS; quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV cần đảm bảo đầy đủ nguồn lực, bao gồm nguồn nhân lưc và tài chính cần được duy trì.
Trong phiên họp làm việc buổi chiều, Quốc hội đã nghe bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) gồm 8 chương, 76 điều. Các ĐBQH đã tiến hành thảo luận các nội dung liên quan như đối tượng áp dụng; chính sách của Nhà nước; giấy phép hoạt động dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; song song đó cần bổ sung việc giảm chi phí cho người lao động và tránh tình trạng lừa đảo người lao động; quy định gia hạn giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của các doanh nghiệp; xây dựng và hình thành một hệ thống cơ sở dữ liệu với tất cả các nội dung cần thiết, đáng tin cậy, được cập nhật thường xuyên để cung cấp kịp thời cho người lao động trước, trong và sau khi đi lao động về. …. 
Ngày 24/10, Quốc hội sẽ nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi);các Tờ trình của các bộ, ngành liên quan về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) ;Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc….
Hoàng Phúc

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa OK TT