Tin tức

Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham dự trực tuyến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Thứ hai, 26/10/2020 - 08:05

(Lamdongtv.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc Hội khóa XIV, trong phiên làm việc ngày 26/10, các ĐBQH đã nghe các Bộ, ngành liên quan trình bày các báo cáo liên quan đến công tác tư pháp, công tác phòng ngừa, chống tội phạm vi phạm pháp luật và tham nhũng đồng thời thảo luận trực tuyến về các báo cáo này

Tại điểm cầu Lâm Đồng có ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng; ông Nguyễn Tạo, Phó trưởng đoàn chuyên trách cùng các vị đại biểu Quốc hội Lâm Đồng, các sở ngành liên quan đã tham dự. 
Các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020; nghe Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo các mặt công tác năm 2020; nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2020. Cũng tại phiên họp sáng nay, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đã trình bày thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2020.
Tiếp đó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020. Sau khi nghe các báo cáo, tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc Hội thống nhất với những đánh giá về kết quả đạt được trong các mặt công tác mà các bộ, ngành trình Quốc hội, cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Đại biểu quốc hội các địa phương đề nghị Chính phủ và các ngành chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật khi mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, các hành vi nâng khống giá các thiết bị y tế trục lợi từ chính sách xã hội hóa dịch vụ khám chữa bệnh; tình trạng gia tăng của một số loại tội phạm nghiêm trọng, hành vi manh động, dã man của đối tượng gây án trong một số vụ án giết người, cướp tài sản gây hoang mang trong dư luận; các đối tượng hoạt động có tính xã hội đen ở một số địa phương trong thời gian tương đối dài và có dấu hiệu tiếp tay, bao che của một số cán bộ có thẩm quyền; cần đánh giá đầy đủ tình hình vi phạm trong việc thi hành án liên quan đến việc ra quyết định thi hành án, xử lý tài sản là nhà đất bằng hình thức tổ chức đấu giá quyền sử dụng…
Liên quan đến các báo cáo này, đại biểu Nguyễn Tạo, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã có ý kiến đóng gópVẫn biết rằng xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm không phải là một cấp xét xử, nhưng đây lại là khâu rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đối với niềm tin vào công lý, vào pháp chế xã hội chủ nghĩa của người dân. Vì vậy, từ đánh giá về công tác giám đốc thẩm và tái thẩm đối với án dân sự và hành chính của 2 ngành và từ thực tiễn của địa phương, kính đề nghị Viện trưởng VKSNDTC và Chánh án TANDTC quan tâm chỉ đạo, có giải pháp hiệu quả tăng cường công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Trước những chuyển hết sức tích cực và rất khả quan của công tác xét xử của Tòa án trong năm 2020, tôi hy vọng 2 ngành sẽ làm tốt công tác này trong thời gian tới.
Trong phiên họp chiều 26/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020. Đồng thời nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; Thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết này, các đại biểu cho rằng Chính quyền đô thị là chính quyền tinh gọn, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; được tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phân cấp, ủy quyền trên nhiều lĩnh vực nhằm phát huy mọi năng lực, tiềm năng của đô thị để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Tại phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã nêu đề nghị nghị quyết này có tên gọi là Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Tại phiên họp ngày 12-10, đa số thành viên UBTVQH thống nhất với tờ trình của Chính phủ về việc thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM theo quy định của pháp luật hiện hành mà không thực hiện thí điểm; tất cả các thành viên thống nhất với việc trình Quốc hội xem xét dự thảo nghị quyết tại một kỳ họp theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.
Hoàng Phúc

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa OK TT