(Lamdongtv.vn) - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phạm S, chủ trì hội nghị triển khai Đề án “Tăng cường công tác quản lý bảo bệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và khôi phục phát triển rừng giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030"
Dự hội nghị có các ngành liên quan và các địa phương.
Theo Đề án, trong giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030 tỉnh Lâm Đồng tập trung các giải pháp quản lý, bảo vệ, xử lý lấn chiếm đất lâm nghiệp và phát triển rừng theo hướng bền vững. Để thực hiện tốt mục tiêu này, Đề án triển khai các giải pháp trọng tâm, đó là kiện toàn Ban chỉ đạo về lâm nghiệp; tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh việc quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm xâm hại rừng; trong đó, tập trung xử lý các vụ việc có tính chất nổi cộm; ngành lâm nghiệp phối hợp với các ngành liên quan, chính quyền cơ sở trong quản lý, giám sát, nâng cao năng lực cho lực lượng nòng cốt bảo vệ rừng; ngoài chủ rừng nhà nước các đơn vị thuê rừng cần xây dựng phương án quản lý cụ thể, có tính khả thi cao quản lý diện tích rừng được giao.
Về công tác khôi phục và phát triển rừng, kiên quyết thu hồi diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm trái phép và tổ chức trồng rừng sau giải tỏa, cùng với đó là tăng cường quản lý diện tích đất lâm nghiệp được người dân sản xuất lâu năm có kế hoạch phù xanh xen cây lâm nghiệp; đối với việc sử dụng rừng bền vững tiếp tục công tác kiểm kê đất đai, quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, hoàn thành rà soát 3 loại rừng; kiện toàn, sắp xếp lại việc giao, thuê, khoán rừng và đất lâm nghiệp cho các chủ thể quản lý, đồng thời thực hiện giải pháp lâm sinh trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán, trồng rừng đai xanh và khoanh nuôi môi trường… Các ngành, địa phương đã đề xuất một số giải pháp, kế hoạch về quy chế phối hợp, phương án triển khai đặc biệt là các địa phương, địa bàn có vùng rừng giáp ranh, thường xuyên xuất hiện điểm nóng, vùng sâu, vùng xa, mục tiêu phủ xanh vùng rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm lâu năm…
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S, khẳng định việc triển khai Đề án quản lý, bảo vệ rừng trong giai đoạn tới rất quan trọng, vì vậy đòi hỏi các cấp, các ngành phải xác định kế hoạch và nhiệm vụ được giao; trong đó người đứng đầu và các chủ rừng cần đề cao trách nhiệm trong quản lý, điều hành và vai trò giám sát rừng được giao. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, trên cơ sở mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, ngành lâm nghiệp và các địa phương sớm bắt tay thực hiện với những giải pháp đồng bộ; cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát phải xử lý hiệu quả vi phạm về Luật lâm nghiệp; tổ chức đánh giá, tham mưu và báo cáo kịp thời về tình hình quản lý bảo vệ rừng hàng tháng, hàng quý…./.
Mạnh Thành