(Lamdongtv.vn) - Chúng ta đã không còn xa lạ với hoạt động tình nguyện hiến tạng của chính cá nhân hay người thân bị chết não, từ đó, góp phần cứu giúp nhiều người
Xã hội luôn đề cao nghĩa cử cao đẹp, thiêng liêng này. Và vẫn đang còn rất nhiều người chờ đợi được tiếp tục sự sống nhờ những sự hiến tặng đó.
Đến thăm gia đình bà Vũ Thị Mừng ngụ tại xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, mẹ của anh Trần Vũ Minh Quang, sinh năm 1984, mất năm 2015, trường hợp đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng thực hiện hiến đa tạng. Bà Mừng chia sẻ về câu chuyện của bản thân trong xúc động, năm 2015, khi nỗi đau chồng mất được 2 tháng chưa nguôi ngoai thì lại phải đối mặt với tin con trai bị tai nạn lao động, sau nhiều nỗ lực của gia đình, các y bác sỹ của bệnh viện Chợ Rẫy - Tp. Hồ Chí Minh, nhưng anh Quang vẫn bị chẩn đoán chết não. Thế rồi, sau những vận động của các y bác sỹ, thức trắng 2 đêm suy nghĩ, bà– mẹ anh, vẫn dằn lại nỗi đau, mạnh mẽ - cao thượng quyết định hiến đa tạng của con trai để cứu nhiều cuộc đời khác…
Bà Vũ Thị Mừng - xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tâm sự: Mình tin rằng tuy con trai mình mất những những nội tạng của nó vẫn đang cứu được nhiều người, vẫn đang hoạt động trong nhiều con người khác… thì là nó vẫn còn đang hiện hữu trên thế gian này….
Câu chuyện của anh Trần Vũ Minh Quang và người mẹ cao thượng đã khiến hàng triệu trái tim người Việt Nam rung động. Được biết, từ việc hiến tặng này, các bác sĩ đã ghép thành công, giúp 6 bệnh nhân có thêm 1 cơ hội sống. Để việc hiến mô, tạng, hiến xác cho y học không chỉ là việc làm âm thầm, ai làm nấy biết, Ngành y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tri ân, tặng quà động viên tinh thần cho người, gia đình tham gia hoạt động nhân đạo này.
Ông Cao Tiến Sỹ - Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế Khoa học và Đào tạo - Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế, trao đổi: sau hơn 20 năm từ khi thực hiện ca ghép tạng đầu tiên, Việt Nam đã thực hiện được trên 1.280 ca ghép thận, 54 ca ghép gan, 17 ca ghép tim, 8 ca ghép tủy... Nhưng con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu hiện có…. Lâm Đồng là địa phương được đánh giá cao trong hoạt động hiến mô tạng… Đây là điều hết sức đáng trân trọng, và chúng tôi thường xuyên thể hiện sự tri ân với các gia đình……
Không chỉ có những câu chuyện cảm động về gia đình các nạn nhân xấu số hiến mô tạng,… mà điều thêm đáng trân trọng là những người đang sống rất khỏe mạnh, vẫn tình nguyện đăng kí hiến tạng khi mình mất. Như ở TP. Đà Lạt, nhắc đến phòng khám Tuệ Tĩnh Đường Linh Quang, đa phần ai cũng biết. Đây là phòng khám nam dược hoàn toàn miễn phí, do Đại đức Thích Linh Toàn quản lý. Nhưng có điều đặc biệt mà chưa bao giờ Đại đức Thích Linh Toàn nhắc đến, đó là chiếc thẻ đăng kí hiến mô tạng của mình đã cất giữ mười mấy năm. Vì với đại đức, có lẽ việc này nhỏ bé quá, đơn giản quá, chẳng có gì mà đáng để nhắc tới…
Đại đức Thích Linh Toàn - Trưởng Ban Từ thiện, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Lâm Đồng, cho biết: Tất cả rồi cũng trở về với cát bụi. Cớ gì không làm phúc cho chúng sinh, mang lại sự sống cho người khác. Những ai xấu số, thiệt phận, gia đình cũng chớ có đau buồn quá. Thay vì vậy, hãy hiến những gì còn có thể sống của họ cho những người cần nó, điều đó đáng làm hơn. Được như vậy, người chết cũng đang tạo phước cho mình, đang phước lành cho gia đình mình. Còn những người được hiến, họ sẽ như được sống lại thêm một lần nữa.
Chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, hiện nay có khảng trên 20 trường hợp được cứu sống nhờ được hiên mô tạng. Tuy chưa từng được biết người hiến tạng cho mình, nhưng thâm tâm họ luôn cảm thấy biêt ơn vì được thêm 1 cơ hội sống, phấn đấu, cống hiến cho xã hội. Đúng như Đại đức Thích Linh Toàn đã nói “Thân các bụi cũng trở trở về với cát bụi”, điều trọn vẹn và hoan lạc nhất của con người là khi “nhắm mắt suôi tay” vẫn có thể cứu giúp được nhiều người, nhiều gia đình khác. Và tin rằng, hoạt động tình nguyện đăng đí tham gia hiến mô tạng sẽ ngày càng được lan tỏa, vì ý nghĩa cao đẹp của nó, và chắc chắn rằng “Cho đi là còn mãi”./.
Phương Thảo