(Lamdongtv.vn) - Trong chương trình phát triển du lịch văn hóa bản địa đã được thông qua, xã Tà Nung thành phố Đà Lạt xác định 5 nghề truyền thống để huy động các nguồn vốn khôi phục và mở rộng.
Tuy nhiên, trên thực tế, nỗ lực này đang gặp không ít khó khăn Và nguy cơ mai một văn hóa truyền thống ở xã Tà Nung vẫn đang hiện hữu nếu không có chiến lược phát triển lâu dài.
Hàng chục năm nay, vào những lúc nhàn rỗi, ông Ka Long Ha Chú lại đan gùi tre để gia đình sử dụng và bán kiếm thêm thu nhập. Mặc dù số tiền kiếm được từ công việc này không đáng kể nhưng ông vẫn chưa bao giờ có ý định từ bỏ nó. Ka Long Ha Chú muốn duy trì một công việc đã gắn bó với mình và nhiều người trong làng từ nhỏ. Mấy năm gần đây, sức khỏe yếu dần ông muốn truyền lại nghề cho lớp trẻ, thế nhưng điều khiến ông buồn là nghề đan gùi bằng mây, tre truyền thống hầu như chẳng còn người trẻ nào mặn mà theo đuổi.
Ông Ka Long Ha Chú, xã Tà Nung thành phố Đà Lạt nói : Ngày thường mình làm công việc này. Mình bày cho con cháu nó làm, có cái gùi mang lúa, mang caphe. Nhưng con cháu giờ nó không nghe, nó không có làm, nó không thích.
Với những người như bà Bon Đưng K’Ơl, Bon Đưng Ha Lin... việc dệt và tạo tác các sản phẩm bằng thổ cẩm đã từng là niềm đam mê hơn 50 năm về trước. Hôm nay bà vẫn muốn tiếp tục công việc này dù thu nhập chỉ được vài triệu đồng mỗi tháng. Mấy năm trước đã có một số thanh thiếu niên muốn tìm hiểu để tiếp nối nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Những người như bà K’Ơn hay Ha Lin...rất phấn khởi. Tuy nhiên được một vài tháng, bên các khung dệt chỉ còn lại những người già. Những lao động trẻ không mặn mà với công việc vốn vừa đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn mà thu nhập không đáng kể này.
Bà Bon Đưng K’Ơn xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt cho hay : Cái này mình làm vào lúc nhàn rỗi, nó là nghề mình rất thích, nhưng nói về kinh tế thì không đáng kể, chỉ kiếm chút thu nhập thêm. Mấy đứa nhỏ thì nó không theo, nó không quan tâm mấy công việc này. Nó thích những công việc khác mới mẻ hơn.
Em Bon Đưng Ka Diêm, xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt nói : Nghề này vừa mất nhiều thời gian lại phải tỉ mỉ, tiền thì ít lắm, mình đi làm nương làm rẫy thôi. Làm cái này khó lắm. Chỉ mẹ biết và làm thôi.
Để bảo tồn văn hóa truyền thống và phát triển du lịch theo hướng gắn với làng nghề, năm 2017, chính quyền thành phố Đà Lạt đã chọn 20 hộ gia đình trên toàn xã Tà Nung để hỗ trợ kinh phí từ 1 tới 7 triệu đồng nhằm giúp bà con có thêm điều kiện phát triển các nghề truyền thống như: làm rượu cần, dệt thổ cẩm, đan gùi tre… Đó là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, cho tới nay hầu như chỉ còn khoảng hơn 10 hộ trên toàn xã Tà Nung duy trì nghề truyền thống. Trong đó chủ yếu là những người cao tuổi. Lao động trẻ theo nghề gần như vắng bóng.
Anh Rơ Ông Ha Lanh công chức văn hóa xã Tà Nung cho biết : Đây là những nghề truyền thống hàng trăm năm của bà con. Nó còn là văn hóa nữa. Nói chung việc phát triển nó cũng được quan tâm lắm nhưng mà rất khó vì nó liên quan đến kinh tế. Các thế hệ sau này ít quan tâm lắm, cũng sợ nó mai một. Cũng mong các cấp, các ngành quan tâm có hướng để có thể duy trì và phát triển được nghề truyền thống rất quý này
Hiện chính quyền từ xã Tà Nung đang có hướng phát triển các nghề truyền thống gắn với du lịch sinh thái để giúp nâng cao thu nhập cho những người người đang giữ hồn văn hóa ở địa phương. Tuy nhiên chừng đó có lẽ là chưa đủ để đảm bảo những nghề truyền thống như đan gùi, dệt thổ cẩm, làm rượu cần ở đây không bị mai một, thất truyền. Điều cốt lõi là cần phải làm sao để những thế hệ trẻ được tiếp lửa đam mê theo đuổi và kế tục công việc của cha anh đi trước. Có như vây mới tránh khỏi nguy cơ thất truyền trước khi nói tới mở mang phát triển. Tuy nhiên vấn đề này vẫn đang là bài toán chưa có lởi giải cho việc giữ gìn phát huy nghề truyền thống ở xã Tà Nung./.
Văn Thế