Tin tức

Ninh Thuận: Giữ gìn nghề gốm truyền thống chăm bàu trúc gắn với phát triển du lịch

Thứ ba, 15/12/2020 - 06:32

Làng gốm Bàu Trúc của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận được xem là làng nghề cổ xưa nhất ở Đông Nam Á. Những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng những nghệ nhân ở đây vẫn giữ gìn cách làm gốm độc đáo và gắn với phát triển du lịch

Cách làm gốm đầy sáng tạo đã giúp những nghệ nhân nơi đây tạo ra nhiều sản phẩm gốm đẹp mắt và quảng bá văn hóa Chăm đến du khách gần xa.
Biết làm gốm từ năm 15 tuổi, năm nay đã hơn 70 tuổi, nghệ nhân Đàng Thị Hằng đã gắn bó với làng gốm Chăm Bàu Trúc hơn nửa thế kỷ. Với bàn tay tài hoa của người phụ nữ Chăm, hình ảnh về cuộc sống, văn hóa Chăm đã hiện lên một cách sinh động qua từng sản phẩm gốm. 50 năm qua, bà Hằng đã làm ra hàng vạn sản phẩm, góp phần giữ gìn nét độc đáo của gốm Chăm truyền thống. 

Bà Đàng Thị Hằng, Khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận: “Nghề của bà trước làm truyền thống, sau là mỹ nghệ. Mình làm biết hết rồi lại truyền cho con. Mình truyền cho con gái để khỏi mất nghề. Gốm truyền thồng hay mỹ nghệ đều để mình dùng. “
Được mẹ dạy làm gốm từ lúc còn nhỏ, giờ chị Đàng Thị Lẩy đã có thể tạo nên nhiều sản phẩm gốm với kiểu dáng và màu sắc đa dạng. Những chiếc lược, vỏ sò tuy đơn giản song qua bàn tay tài hoa của chị Đàng Thị Lẩy có thể biến khối đất thành những tác phẩm nghệ thuật với những đường nét, hoa văn in đậm bóng dáng cuộc sống đồng bào Chăm làng Bàu Trúc nói riêng và của cuộc sống nói chung.

Chị Đàng Thị Lẩy, Khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận: “Nhờ nghề ông bà để lại, mình không bỏ. Dù khó cách nào mình cũng làm. Khách thích là khách mua liền“
Có được ý tưởng phong phú là nhờ các nghệ nhân ở làng Bàu Trúc không ngừng tìm tòi, học hỏi và yêu nghề làm gốm Chăm truyền thống. Nhìn các nghệ nhân gốm làm việc, mới thấy lao động của họ đã nâng lên thành nghệ thuật với những nét tinh tế qua kinh nghiệm của nhiều đời tích lũy. Điều này lý giải vì sao các sản phẩm gốm ở làng Bàu Trúc luôn mới và thu hút nhiều du khách.

Anh Đàng Chí Quyết, Trưởng Khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận:  “Đến thời điểm hiện nay, so với làng nghề gốm khác, tại làng gốm Bàu Trúc, các nghệ nhân, các thợ gốm để hoàn thành 1 sản phẩm theo ý muốn thì bà con vẫn không dùng máy móc, công cụ nào hiện đại để hỗ trợ. Mà bà con làm hoàn toàn bằng thủ công, tức làm bằng tay. Do đó, nét độc đáo bà con vẫn giữ đến bây giờ. Đó là điều đặc biệt khiến du khách tìm đến gốm Bàu Trúc.”
Gắn bó với nghề gốm Chăm truyền thống, nhiều gia đình đã có kinh tế khá hơn. Nhờ đó việc quảng bá nét văn hóa của gốm truyền thống người Chăm được đẩy mạnh hơn qua sự mua bán, trao đổi này.

Anh Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc HTX Gốm Chăm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận : “Nhờ nét riêng biệt chỉ gốm Bàu Trúc có, các sản phẩm đều làm bằng tay. Người thợ truyền cảm hứng, thổi hồn vào sản phẩm. Từ đó, thu hút khách rất là nhiều. Đứng trước xu thế phát triển như vậy. Bà con làng nghề giữ sản phẩm đều làm bằng tay và nét rất là riêng. Từ đó, thu hút khách rất đông, tạo công ăn việc làm cho bà con địa phương rất là lớn. “

         Ở làng gốm Chăm Bàu Trúc hôm nay, các giá trị văn hóa đặc sắc của gốm Chăm truyền thống đang được lưu giữ và phát huy, bởi đó là cuộc sống, là niềm tự hào của người Chăm Bàu Trúc./.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa OK TT