Tin tức

UBND tỉnh triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021

Thứ năm, 07/01/2021 - 08:32

(Lamdongtv.vn) -UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tháng 12 và năm 2020, đồng thời triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021

Ông Trần Văn Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Ông K’Mak, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các ông, bà trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, Hội, đoàn thể Chính trị xã hội của tỉnh và các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tham dự.  
Báo cáo của Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh cho biết: Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu nhưng kinh tế, xã hội của tỉnh Lâm Đồng trong tháng 12 và cả năm 2020 vẫn đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 3,15%, cao hơn mặt bằng chung cả nước. 13/17 chỉ tiêu về kinh tế, xã hội, môi trường và nông thôn mới đều đạt và vượt mức kế hoạch. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên. Một số lĩnh vực như nông nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng khá, chăn nuôi cơ bản phục hồi lại sau dịch tả lợn Châu Phi, công tác tái đàn được triển khai hiệu quả. Lĩnh vực phát triển rừng tiếp tục được các địa phương đặc biệt quan tâm, ngành công nghiệp, xây dựng tiếp tục phát triển đúng định hướng.
Trong năm qua, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục ưu tiên phát triển các Ngành có lợi thế cạnh tranh, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, với giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 ước đạt trên 18.400 tỷ đồng, tăng 4,39% so với cùng kỳ. Ngoài ra, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, địa phương đã tập trung thực hiện hiệu quả “Nhiệm vụ kép” vừa bảo đảm chống dịch, vừa duy trì phát triển sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã phát triển trên 10.200 doanh nghiệp, tăng trên 1.300 doanh nghiệp so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký trên 111.000 tỷ đồng. Văn hóa xã hội tiếp tục được triển khai hiệu quả, ngành giáo dục và đào tạo đã thực hiện tốt công tác dạy và học theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ngành y tế tập trung triển khai công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 có hiệu quả, công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội, chính sách cho người có công tiếp tục được chú trọng. Chương trình xây dựng nông thôn mới, công tác giảm nghèo đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 104/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Báo cáo tại hội nghị cũng đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế như: Năm 2020, Lâm Đồng có 4 chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra, khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 lần đầu tiên tăng trưởng âm, phát triển kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, một số công trình dự án trọng điểm chưa triển khai đúng kế hoạch, tình trang phá rừng, lấn chiếm đất rừng, tình trạng phân lô bán đất nền, các loại tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. 
Tại hội nghị, đại diện các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chỉ ra những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện các chỉ tiêu, phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, nhất là khó khăn trong công tác phòng chống hạn, việc triển khai thực hiện các công trình thủy lợi, vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản, công tác quy hoạch quản lý khu vực chăn nuôi, khai thác khoáng sản, việc thực hiện quy định tách thửa, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, mạng lưới giao thông tạo kết nối vùng. Ngoài ra, đối với một số vấn đề liên quan đến đầu tư triển khai thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quy hoạch 3 loại rừng, giá cả các nông sản, công tác quản lý, phát triển các dịch vụ, du lịch.. cũng được các địa phương đề xuất, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện. 
Cũng tại hội nghị, trên cơ sở những kiến nghị của các địa phương, lãnh đạo các Sở, Ngành liên quan đã làm rõ thêm một số nội dung mà các địa phương quan tâm đề xuất liên quan đến từng Ngành, từng lĩnh vực, từ đó kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các địa phương.
Kết luận hội nghị, ông Trần Văn Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Mặc dù trong điều kiện khó khăn chung do ảnh hưởng của thiên tai và dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên năm 2020, kinh tế xã hội của tỉnh Lâm Đồng vẫn đạt được những kết quả khả quan. Đây là thành quả thể hiện sự nổ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng các doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn. Về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2021, tỉnh Lâm Đồng xác định đây là năm “Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt, biến thách thức thành cơ hội, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI”. Vì vậy từng Ngành, từng đơn vị, địa phương cần bám sát vào các chỉ tiêu, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ các cấp để có biện pháp triển khai thực hiện. Song song đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả “Nhiệm vụ kép” vừa bảo đảm chống dịch, vừa duy trì phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các Ngành, các địa phương cần tiếp tục tăng cường khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp phát triển, tích cực triển khai đồng bộ các công trình trọng tâm, trọng điểm, chú trọng quản lý, khai thác các loại hình du lịch, nhất là loại hình du lịch canh nông, tập trung công tác quản lý bảo vệ rừng. Bên cạnh đó thực hiện tốt kế hoạch giải ngân nguồn vốn đầu tư công, quản lý thực hiện tốt công tác thu, chi ngân sách, đổi mới sắp xếp bộ máy tổ chức, thực hiện tinh giảm biên chế gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh còn đề nghị các Ngành, các địa phương cần bảo đảm hàng hóa cung ứng phục vụ người dân dịp tết, gắn với chú trọng kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng chính sách, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để người dân vui xuân, đón tết cổ truyền của dân tộc ấm cúng, an toàn, tiết kiệm và vui tươi./.
Hoàng Ái

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa