Tin tức

Triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách

Thứ năm, 07/01/2021 - 20:00

(Lamdongtv.vn) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng Quản trị, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nguồn vốn tín dụng chính sách.

Ban đại diện HĐQT, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cùng đại diện các Sở, Ban, Ngành của tỉnh và các tổ chức nhận ủy thác trên địa bàn đã tham dự. 
Năm 2020, Ban đại diện, Hội đồng Quản trị, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, gắn với công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn đạt trên 3.800 tỷ đồng, tăng gần 300 tỷ đồng so với đầu năm, với doanh số cho vay trong năm đạt trên 1.000 tỷ đồng, với trên 28.100 lượt khách hàng vay vốn. Cùng với đó, năm 2020, Ngân hàng chính sách xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm, cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số.. Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh còn tích cực triển khai chương trình cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo đánh giá chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng được nâng lên, phù hợp với mục tiêu của nguồn vốn, qua đó đã giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội có thêm điều kiện, động lực để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Tại hội nghị, các thành viên Ban đại diện, Hội đồng quản trị, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các tổ chức nhận Ủy thác đã phân tích, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách, nhất là các chương trình cho vay, công tác kiểm tra giám sát hoạt động và hiệu quả hoạt động của nguồn vốn trong công tác giảm nghèo.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa yêu cầu Ban đại diện Hội đồng Quản trị, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cần tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức hoạt động, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ, tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhận ủy thác và các địa phương cơ sở để kịp thời rà soát, giám sát hoạt động cho vay bảo đảm đối tượng, đúng mục đích, từ đó góp phần phát huy hiệu quả hoạt động nguồn vốn tín dụng chính sách tại địa phương./.
Hoàng Ái

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa