Rác thải nhựa đang là vấn nạn toàn cầu. Và điều đáng nói là nước ta lại thuộc tốp đầu thế giới về lượng rác thải nhựa thải ra môi trường, ra đại dương.
Để góp phần hạn chế rác thải nhựa, việc tái chế vật liệu thải là một trong những giải pháp mang tính khả thi cao, như tại TP.HCM đã có mô hình sản xuất gạch từ rác thải nhựa.
Đáng chú ý, tác giả của mô hình này là một nhóm sinh viên, đang theo học tại trường Đại học Bách khoa TP.HCM.
Thoạt nhìn đây không khác những viên gạch bình thường. Thế nhưng chúng lại rất đặc biệt, bởi được làm từ nhựa. Chính xác hơn, một phần lớn nguyên liệu để làm gạch là nhựa polystyrene (nhựa PS), lấy từ nguồn rác thải hộp xốp đựng cơm, thức ăn và ly nhựa đựng café, nước uống, vốn được sử dụng rất phổ biến ở Việt Nam.
Bạn Đặng Minh Tuấn, thành viên nhóm nghiên cứu : Tụi em đã bắt tay vào nghiên cứu, nghiên cứu những bài báo thì tụi em đã hình thành nên cho mình cái ý tưởng sử dụng những cái nhựa thải như nhựa PS để tụi em làm nên vật liệu mà tụi em tạm gọi là gạch.
Gạch làm từ nhựa là sản phẩm của dự án sáng tạo Octoplastic của nhóm sinh viên Khoa Kỹ thuật Hóa học - trường Đại học Bách khoa TP.HCM.
Xuất phát từ thực trạng rác thải nhựa là vấn nạn môi trường của Việt Nam – nước đứng thứ tư thế giới về lượng rác thải nhựa thải ra đại dương – các nhà nghiên cứu trẻ đã mày mò cho ý tưởng biến rác thải nhựa thành vật liệu hữu dụng.
Bạn Lạc Dân Hy, trưởng nhóm nghiên cứu : Nguồn phế thải là nguồn nhựa Polystyrene là một loại nhựa không thể tái chế được cho nên nó mang cái thông điệp tụi em muốn gửi tới mọi người là thay vì mình vứt, đem đốt, đem chôn những loại nhựa như thế này, mình hãy xử lý nó lại để mọi người chung tay góp phần vào bảo vệ môi trường.
Những viên gạch không nung, ra đời qua 3 công đoạn chính. Hộp xốp, ly nhựa PS được cắt và nghiền thành những hạt nhựa nhỏ. Sau đó, cho xi măng và nước vào cùng hạt đã nghiền để tạo hỗn hợp chất kết dính. Hỗn hợp được cho vào khuôn, phơi khô hoặc sấy trong vòng 24 giờ.
Bạn Võ Thành Đạt, thành viên nhóm nghiên cứu : Tụi em phải lên đọc rất nhiều bài báo trên mạng, những trang khoa học trên thế giới để tìm ra được những hóa chất mình cần dùng, thiết bị cũng như tỷ lệ pha trộn. Tụi em cũng phải thử và sai rất nhiều lần thì nó mới ra được tỷ lệ tối ưu.
Dự án Octoplastic được nhiều chuyên gia đánh giá tích cực về tính thực tiễn và khả năng nhân rộng. Loại gạch làm từ nhựa này đã được kiểm nghiệm, đánh giá là gạch nhẹ, có cơ tính cao, chịu lực, cách âm, cách nhiệt tốt.
Bạn Nguyễn Lê Nguyên Phương, thành viên nhóm nghiên cứu : Sản phẩm của tụi em đang ứng dụng trong việc lót sân, làm những đồ lưu niệm như là chậu cây nhỏ nhỏ và tụi em cũng làm những demo miếng panel cách nhiệt ở trong các văn phòng.
PGS.TS. Lê Thị Kim Phụng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ lọc hóa dầu, Đại học Bách khoa TP.HCM : Có những nhà đầu tư họ có thể cùng dự án để phát triển ra nữa để đưa ra thị trường. Hiện tại dự án có thể hoàn toàn hỗ trợ được để mà các địa phương có thể sử dụng ngay phần chất thải nhựa của mình tại địa phương.
Mỗi năm Việt Nam có gần 2 triệu tấn rác thải nhựa, nhưng chưa đầy 30% số đó được tái chế. Để giảm thiểu rác thải nhựa, cần đẩy mạnh hoạt động tái chế, biến rác thải thành nguồn nguyên liệu, như dự án Octoplastic của nhóm sinh viên Đại học Bách khoa TP.HCM – đã được ghi nhận với giải nhì cuộc thi "Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa" do UNESCO tổ chức.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng