Hiện nay, thời tiết đang vào giai đoạn xuân hè, khí hậu nồm ẩm là cơ hội cho nhiều dịch bệnh phát sinh, phát triển, trong đó có bệnh sốt xuất huyết đã “vào mùa”
Dự báo, năm 2021 là năm chu kỳ bùng phát của dịch sốt xuất huyết, vì vậy người dân và cộng đồng cần nâng cao ý thức phòng bệnh bên cạnh chống dịch COVID-19.
Ngay từ giai đoạn giao mùa, khí hậu nóng ẩm là cơ hội cho nhiều dịch bệnh phát sinh, nhất là sốt xuất huyết. Vì thế, những ngày này, đội xung kích diệt loăng quăng, bọ gậy trên địa bàn toàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã được huy động. Bên cạnh việc phun thuốc phòng sốt xuất huyết, mỗi tổ dân phố thành lập khoảng 10 tổ xung kích đi kiểm tra và lật úp dụng cụ chứa nước ở từng nhà dân.
Bà Đoàn Thị Tuyết - Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nói : Chúng tôi được nhắc nhở thường xuyên, ngoài tuyên truyền cũng làm theo các biện pháp, từ đó sẽ giúp không có muỗi và nguy cơ không bùng dịch...
Ông Nguyễn Mạnh Thành - Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nói : Không có nước đọng thì sẽ không có muỗi sốt xuất huyết. Vì vậy, để phòng sốt xuất huyết, giải pháp ưu tiên và hiệu quả là tìm và diệt loăng quăng, bọ gậy...Bởi thế chúng tôi đều nâng cao nhận thức, chứ không 1 người bị sẽ thành ổ dịch...
Theo các chuyên gia, hiện nay đã bắt đầu vào mùa sốt xuất huyết, bên cạnh nhiệm vụ chống dịch COVID-19, người dân cần chú ý phòng các dịch bệnh theo mùa hàng năm, nhất là dịch sốt xuất huyết Dengue. Đặc biệt theo quy luật, năm 2021 đúng vào chu kỳ dịch, nên sẽ tiềm ẩn nguy cơ lớn có thể bùng phát dịch. Trước đó năm 2017, đã có có 30 trường hợp tử vong với sự xuất hiện của típ mới (D3, D4) bên cạnh típ D1, D2 vẫn lưu hành hàng năm.
Chị Lê Thị Tú Uyên - Trưởng trạm y tế phường Trương Định, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho hay : Khu vực nhà trọ, công trường, bãi đất trống ẩm thấp cũng được các tổ xung kích tăng cường các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy, bởi đây là những nơi tiềm ẩn ổ dịch sốt xuất huyết.
TS BS Vũ Minh Điền - Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết : Cụ thể, thường sau mỗi đợt dịch bùng phát mạnh, các địa phương sẽ ra quân vệ sinh môi trường triệt để, tiêu diệt vật trung gian truyền bệnh là muỗi vằn, kiểm soát được sự lây lan của bệnh. Tuy nhiên, sau khoảng 3-4 năm, dần dần vật truyền bệnh sẽ sinh sôi trở lại, phát triển thành quần thể mới gây ra vụ dịch mới. Hiện cũng đã đến mùa của muỗi sinh sôi truyền bệnh, các địa phương, người dân cần chủ động phòng sốt xuất huyết, nếu không dễ xảy ra tình trạng dịch chồng dịch trong mùa hè.
Theo các bác sỹ, người dân khi có biểu hiện mắc sốt xuất huyết cần đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời; tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà, gây nguy hiểm nếu không điều trị đúng, nhất là với các trường hợp diễn biến nặng. Đến nay chưa có vaccine phòng bệnh vì vậy, cách tốt nhất là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy… Ngủ trong màn kể cả ban ngày và để người bị SXH nằm trong màn, tránh muỗi đốt lây lan bệnh cho người khác.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng